Trách nhiệm trước phát hiện khảo cổ lớn

Hội thảo khoa học quốc tế “Hành cung Lỗ Giang, Hưng Hà, Thái Bình, trong lịch sử nhà Trần” ngày 30-11 tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) thu hút nhiều sự quan tâm của các học giả và các nhà quản lý.

Dấu tích gò sỏi lớn (ảnh chụp tháng 2-2018).
Dấu tích gò sỏi lớn (ảnh chụp tháng 2-2018).

1. Dựa vào những ghi chép ngắn ngủi trong sử cũ, từ mùa đông năm 2014, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã khai quật và phát hiện dấu tích một công trình kiến trúc gỗ thời Trần có kỹ thuật xây dựng bằng hệ móng trụ kép, cột đôi và cột ba có hình chữ nhật lớn gấp đôi và gấp ba móng trụ hình vuông thông thường.

Điều đó đưa các nhà nghiên cứu đến giả thuyết rằng, kiến trúc này có quy mô lớn, rất có thể có nhiều tầng mái. PSG, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Nghiên cứu kinh thành cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam phát hiện được một tổ hợp công trình kiến trúc có kỹ thuật xây dựng bằng hệ thống móng trụ kép đôi và móng trụ kép ba. Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng đã tìm thấy loại móng trụ kép tương tự, nhưng là kiến trúc của thời Lý và có quy mô nhỏ hơn nhiều so kiến trúc ở đây”.

Tiếp tục khai quật mở rộng, các nhà khảo cổ học đã xác định được dấu vết một công trình kiến trúc có mặt bằng hình chữ Công, gồm ba bộ phận cấu thành, có diện tích lớn (hơn 554 m²). Dù chưa tìm thấy hiện vật cho phép khẳng định chắc chắn: Đây là Hành cung Lỗ Giang, nhưng tính vương quyền của công trình được hiện rõ qua các vật liệu trang trí hình rồng và viên ngói úp đầu bờ dải trang trí mặt sư tử trán khắc chữ Vương (Vua) - khẳng định rõ tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của công trình kiến trúc liên quan đến nơi ở và làm việc của nhà vua.

2. Đáng lưu ý nữa, những dấu vết kiến trúc khẳng định những công trình ở đây được quy hoạch quy chuẩn như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long với một phức hợp nhiều công trình kiến trúc được xây dựng trong một khuôn viên rộng lớn. có trình độ xây dựng khá cao. Nghiên cứu so sánh với Hoàng thành Thăng Long và Hành cung Thiên Trường, có cơ sở để khẳng định đây có thể là một hành cung lớn thời Trần.

Khi khai quật khu vực Lăng Sa ngoài, phía ngoài đê sông Trà Lý, cách đền Thái khoảng hơn 120 m về phía nam, xuất lộ một kết cấu phủ kín sỏi và sét hình gò đống, có dạng hình nón - là một hiện tượng lạ, rất hiếm gặp, đang đặt ra nhiều giả thuyết: Dấu vết nền móng của một tòa tháp lớn? Gò mộ cổ của thời Trần? Đây còn đang là điều bí ẩn thú vị. Gò sỏi này đã được các nhà khảo cổ “đóng” lại chờ những đợt nghiên cứu tiếp theo.

Từ kết quả phát hiện khảo cổ học cùng với việc xâu chuỗi, liên kết những tư liệu sử học, bước đầu có thể suy đoán về lịch sử tồn tại của Hành cung Lỗ Giang xưa ở khu vực đền Trần (Thái Lăng) xã Hồng Minh hiện nay. Các nhà khoa học tham dự hội thảo đều thống nhất đánh giá rất cao kết quả khai quật khảo cổ học và khẳng định: Đây là phát hiện mới có quy mô lớn chỉ sau phát hiện di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2002, có ý nghĩa quan trọng và to lớn trong việc nghiên cứu về Hành cung Lỗ Giang, về lịch sử nhà Trần ở vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay.

3. Giá trị lớn, nhiều mặt đã được khẳng định của khu di tích (rất có thể là) Hành cung Lỗ Giang đặt ra vấn đề cần tiếp tục khai quật khảo cổ học và nghiên cứu mang tính tổng thể, quy mô rộng lớn hơn, làm rõ hơn giá trị của khu di tích quan trọng này. Đồng thời, cần có phương án bảo vệ cấp thiết các dấu vết di tích đã xuất lộ và quy hoạch, bảo tồn để phát huy giá trị khu di tích trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh cho biết: “Từ những phát hiện của các nhà khảo cổ học, Thái Bình sẽ sớm xây dựng đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích ở xã Hồng Minh, tiếp tục nghiên cứu thêm để khẳng định thuyết phục rằng đây là Hành cung Lỗ Giang và hướng tới việc xây dựng Hồ sơ xếp hạng Di tích Quốc gia. Tỉnh cũng sẽ kết nối khu di tích này trong tổng thể di sản văn hóa của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đưa giá trị di sản văn hóa phục vụ công chúng vì mục tiêu phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội chung”.