Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Tìm đường đến tâm hồn trẻ

Mỗi ngày tôi cảm thấy ý thức và niềm đam mê viết cho thiếu nhi giảm đi trong các nhà văn. Phải chăng vì đời sống đương đại có quá nhiều vấn đề làm cho các nhà văn bị cuốn vào đó. Nhưng cho dù với lý do gì thì đó vẫn là một điều bất ổn.

Tìm đường đến tâm hồn trẻ

Nhưng cho dù với lý do gì thì đó vẫn là một điều bất ổn. Số lượng nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay chứ chưa đến bàn tay thứ hai. Có lẽ vì thế mà chưa thấy một tác phẩm viết cho thiếu nhi mà hầu hết các bậc cha mẹ phải biết đến.

Có thể nhận thấy điểm khác biệt lớn nhất là: các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi hiện nay “trẻ con” hơn. Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi trước kia bị “áp đặt” tính giáo dục công dân quá cao, trong khi theo tôi là phải dựng lên một thế giới tự nhiên nhưng trong sáng và ngập tràn trí tưởng tượng. Thế nhưng những tác phẩm viết cho thiếu nhi trước kia còn lại đến bây giờ lại mạnh hơn các tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay là vẻ đẹp của ngôn từ. Nghĩa là văn chương ở đó đẹp và đầy xúc động. Điều này vô cùng quan trọng khi viết cho trẻ con.

Điều quan trọng là người lớn phải đồng hành cùng trẻ em như một đứa trẻ lớn tuổi, phải trở thành một người bạn biết trò chuyện với chúng. Một gia đình muốn trẻ con phải đọc sách mà chẳng ai chịu đọc sách mà suốt ngày chơi games thì không thể đồng hành, không thể hiểu và không thể trò chuyện với chúng. Một câu chuyện giáo dục của Mỹ làm tôi luôn suy ngẫm. Câu chuyện kể một cô học trò trong bất cứ giờ chơi nào cũng không muốn tiếp xúc với bạn cùng lớp mà chỉ ôm một con gấu bông và trò chuyện cùng con gấu đồ chơi này. Một thầy giáo đã mua một con gấu bông và ôm con gấu bông đến để con gấu bông của mình “trò chuyện” với con gấu bông của cô học trò. Thế là cuộc trò chuyện giữa thầy và trò thông qua “đại diện” của mình là những con gấu bông. Và người thầy đó đã tìm được con đường đến với cô học trò bé bỏng của mình và lắng nghe được những tâm tư của cô bé.