Tiếp nối để lan tỏa

Thời gian qua, xuất hiện nhiều gương mặt nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ trẻ có những sáng tạo từ nền cốt những giá trị văn hóa cổ truyền, tạo nên những sản phẩm ứng dụng mới, sinh động, hấp dẫn được thị hiếu và thẩm mỹ của công chúng đương thời.

Du khách quốc tế thích thú với “gánh tò he” bên phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: LÊ DUY
Du khách quốc tế thích thú với “gánh tò he” bên phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: LÊ DUY

Đưa truyền thống vào đương đại

Gian hàng nghệ nhân Đặng Văn Hậu của làng tò he nổi tiếng Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) được đón nhiều du khách trong và ngoài nước trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Là di sản được cha ông sáng tạo và truyền lại, nhưng “nghề nặn chim cò” này đang mai một. Để hấp dẫn hơn công chúng đương đại, nghệ nhân Hậu đã kết hợp cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách khôi phục nhiều mẫu tò he xưa. Trong đó có bộ con giống bột mầu mùa Trung thu.

Không chỉ vậy, anh còn tạo ra nhiều mẫu mới. Như trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, loạt tò he mang hình chú lợn trong tranh dân gian Đông Hồ hoặc làng tranh Kim Hoàng của anh được nhiều người thích thú. Nghệ nhân trẻ này còn có những mẫu tò he mới như: Ông táo cưỡi cá chép về trời, ông lão đánh cờ, chú Tễu, chị Hằng, chú Cuội… Tương tự, Tết Trung thu năm nay, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng đưa ra những chiếc đèn hình được lấy cảm hứng từ tranh dân gian Kim Hoàng và tranh dân gian Đông Hồ.

Cùng chung cảm hứng khai thác chất liệu tranh dân gian truyền thống, những con lợn gốm được nghệ nhân ở làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai) thực hiện lấy cảm hứng từ bức “Lợn độc” của dòng tranh Kim Hoàng cũng là một cố gắng để đưa truyền thống đến với đương đại. Trong nỗ lực này, có thể kể thêm những nhóm như “Họa sắc Việt”, “Hoa văn Đại Việt”, hoặc dự án nghệ thuật của họa sĩ trẻ Xuân Lam với dự án “Vẽ lại tranh Đông Hồ”... Đó là những cố gắng khơi dòng văn hóa dân tộc, đánh thức “hồn dân tộc” để ứng dụng vào đời sống văn hóa, lan tỏa những giá trị văn hóa ông cha trao truyền bằng một thẩm mỹ mới, một cách nhìn mới.

Xu thế tất yếu

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho rằng, khai thác chất liệu truyền thống để ứng dụng vào các sản phẩm văn hóa, tạo ra những mẫu tò he mới là một hướng đi khả dĩ, được thị trường đón nhận. Anh dẫn chứng, những mẫu tò he mới do anh tạo ra lấy cảm hứng từ tranh dân gian hay các tích truyện xưa được nhiều người lớn và du khách nước ngoài thích thú. Nếu chỉ phục vụ thị hiếu của trẻ em hiện nay thì tò he sẽ nghiêng về những nhân vật đang được các em quan tâm như siêu nhân, công chúa Elsa, chú mèo máy Doreamon… - cũng là một cách thêm những mẫu mới cho nghề tò he. Vì thế, dù nặn những mẫu tò he mới hoặc phục hồi mẫu xưa vừa mất thời gian tìm hiểu, vừa tốn công hơn, nhưng Đặng Văn Hậu vẫn kiên trì triển khai, như một cách đánh thức những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy điểm chung này trong dự án Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa và cộng sự. Không chỉ khôi phục thành công dòng tranh đã thất truyền hơn 70 năm qua, bà Hòa còn tạo thêm các mẫu tranh mới: “Em bé bắn cung”, “Em bé cưỡi phượng”, “Đấu vật”… Những mẫu này do các họa sĩ như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Đức Hòa thể hiện, theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Nhà sưu tập còn kết hợp nghệ nhân làng đậu bạc Định Công làm tranh đậu bạc theo mẫu tranh lợn Kim Hoàng. Bà Hòa cho rằng, muốn tranh dân gian đến với cuộc sống đương đại thì song song gìn giữ, khôi phục, phải có sáng tạo mới. Nếu không rất khó để chinh phục công chúng cũng như khó bước vào không gian sống của các gia đình hiện nay.

Quả thực, khi văn hóa dân tộc được các nghệ nhân, nghệ sĩ tiếp biến sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng hơn sẽ không chỉ truyền tải được văn hóa dân gian, dân tộc mà còn góp phần tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới. Tuy nhiên, xu hướng đó cũng không hoàn toàn “thuận dòng”. Bằng chứng là đã xuất hiện những sản phẩm ứng dụng bị dư luận phản ứng, như việc đưa họa tiết tranh dân gian lên áo dài hay đưa họa tiết tranh dân gian vào ốp lưng điện thoại… Đó là những cảnh báo cần thiết để xu hướng này sớm định hình rõ nét hơn. Không dễ để đưa ra những chỉ dẫn hay khuyến cáo về sự giới hạn trong sáng tạo nghệ thuật từ những giá trị truyền thống. Mà ở mỗi lĩnh vực, sự hiểu biết về văn hóa Việt và sự nhạy cảm của bản thân các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ là kim chỉ nam trong hành trình “tiếp lửa”.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đang rõ hơn một xu hướng tạo ra những sản phẩm ứng dụng dựa trên các giá trị truyền thống. Điều đó là rất đáng khích lệ, để những giá trị xưa cũ ngày càng gần hơn cuộc sống đương đại, để những giá trị văn hóa được bảo tồn và lan tỏa.