Thú vị Võ đạo Nhật Bản đến Hà Nội

Hình ảnh võ sĩ đạo được coi là biểu tượng độc đáo nhất của Võ thuật và Võ đạo - tinh hoa võ cổ truyền của Nhật Bản suốt hơn một thiên niên kỷ. Nhằm quảng bá những giá trị này đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức triển lãm lưu động “Tinh thần Võ đạo - Lịch sử Võ thuật Nhật Bản” từ ngày 11 đến 15-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Tiết mục biểu diễn đấu kiếm của CLB Kendo Hà Nội trong triển lãm Võ đạo Nhật Bản.
Tiết mục biểu diễn đấu kiếm của CLB Kendo Hà Nội trong triển lãm Võ đạo Nhật Bản.

1. Tại triển lãm, công chúng Thủ đô đang được tham quan các hiện vật chia làm hai chủ đề chính: Phần trưng bày bản gốc hoặc bản sao các hiện vật như cung tên, áo giáp, mũ giáp, giới thiệu những biến đổi của võ thuật Nhật Bản từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 19; phần hai nói về sự định hình lại từ “Võ thuật” thành “Võ đạo” trong giai đoạn từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 và sự tiếp thu tinh thần Võ đạo trong đời sống Nhật Bản hiện đại. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản còn giới thiệu chín tổ chức võ đạo hiện đại cũng như trưng bày các dụng cụ mà võ sư sử dụng trong tập luyện.

Theo giới thiệu của ban tổ chức, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Võ đạo được nhìn nhận lại và đưa vào dạy trong trường học, trước tiên là võ Judo năm 1950 và kiếm đạo Kendo năm 1953. Thậm chí Võ đạo còn trở thành loại hình thể thao phổ biến trên thế giới tới mức được đưa vào thi đấu ở Olympic từ Thế vận hội Tokyo năm 1964.

Đáng chú ý, các môn Võ đạo Nhật Bản bắt đầu du nhập và thành lập võ đường ở Việt Nam từ những năm giữa thế kỷ 20, như môn Judo năm 1946, Karatedo năm 1950, Kendo vào những năm 70. Và mới đây nhất, cung đạo Kyudo đến với Việt Nam năm 2012. Các môn võ này đã nhanh chóng thu hút đông đảo học viên người Việt tham gia luyện tập.

Thú vị Võ đạo Nhật Bản đến Hà Nội ảnh 1

Bộ áo giáp của võ sĩ đạo trong triển lãm.

2. Trong lễ khai mạc triển lãm, các thành viên của hai CLB Kendo và Kyudo tại Hà Nội đã có những màn biểu diễn đấu kiếm và bắn cung đặc sắc, thể hiện đúng tinh thần Võ đạo. Ông Ando Toshiki, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội cho biết: “Qua các màn trình diễn Kyudo và Kendo, người xem không chỉ được nhìn thấy các kỹ thuật riêng của hai môn võ này, mà còn cảm nhận được tinh thần chung của Võ đạo thông qua yếu tố như cách tập trung hơi thở, cách giữ cho cơ thể “vững như thái sơn” và tinh thần tĩnh tâm”.

Triển lãm lần này là cơ hội để đông đảo người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên có thêm hiểu biết về văn hóa Võ đạo, một góc nhìn mới về võ thuật “hoa mỹ”, sức sáng tạo của người Nhật, cũng như về lịch sử - xã hội và thế giới quan của người dân xứ “mặt trời mọc”. Xem triển lãm, bạn Nguyễn Đức Anh, cán bộ Công ty nước sạch Hà Đông, cũng là một học viên của CLB Kyudo Hà Nội, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem triển lãm về lịch sử Võ đạo của Nhật Bản và rất ấn tượng về độ tinh xảo cũng như giá trị thẩm mỹ của các hiện vật trưng bày. Qua đó, tôi cảm thấy được tinh thần thượng võ, sự tĩnh tâm và vô ưu của các võ sĩ đạo. Riêng đối với bản thân khi tham gia tập cung đạo Kyudo một thời gian, tôi thật sự cảm thấy sức khỏe được tăng cường và tinh thần thật sự vững vàng trước những áp lực của cuộc sống”.

Qua triển lãm, có thể khẳng định Võ đạo sẽ tiếp tục được nhiều người Việt Nam yêu thích vì đây là một loại hình thể thao - văn hóa thú vị cũng như gợi mở một quá trình mưu cầu suốt đời về một thể chất và tinh thần khỏe mạnh.