Thổi hồn vào gốc tre

Những thứ tưởng chừng đã bỏ đi là những gốc tre với muôn hình thù thô kệch đã trở thành sản phẩm nghệ thuật. Nhờ đôi bàn tay khéo léo cùng trí tưởng tượng phong phú, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (48 tuổi, phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã gắn bó với nghề tạc tượng từ gốc tre gần 20 năm.

Những bộ rễ gốc tre vô hồn nay bỗng trở nên độc đáo đầy tính nghệ thuật.
Những bộ rễ gốc tre vô hồn nay bỗng trở nên độc đáo đầy tính nghệ thuật.

Học nghề mộc, tạc tượng tre

Tìm đến chợ Hội An, không khó để hỏi thăm cái tên Huỳnh Phương Đỏ bởi lẽ anh là người duy nhất ở đây có khả năng đục ra các bức tượng từ gốc cây tre. Nằm bên hông chợ Hội An, ngay từ xa đã nghe tiếng “cộc cạch” của chiếc đục, cái dùi gỗ phát ra dưới mái hiên nhà, nơi anh Đỏ làm việc hằng ngày.

Anh Phương Đỏ cho biết, bản thân anh vốn là một người làm thợ mộc ngay từ hồi còn rất trẻ, lúc đó mới khoảng 16, 17 tuổi. Rồi cái duyên đến với tượng gốc tre đã giúp cho tên tuổi của anh ngày càng được nhiều người biết đến. Anh nhớ lại: “Năm đó (1999) là năm mà ở thành phố Hội An bị một trận lụt lớn đổ về. Ngồi trong nhà nhìn ra thì thấy có nhiều khúc cây trôi ngang qua. Tò mò vớt lên xem thử thì đó là mấy khúc gốc tre khô, sẵn tiện đang chờ nước lụt rút, tôi thì có cái nghề mộc trong tay nên đem mấy gốc tre đó ra đục thử. Đó cũng là sự bắt đầu cho công việc đục tượng gốc tre cho đến nay”.

Khác với việc tạc tượng từ các loại gỗ có sẵn phôi gỗ cụ thể, tạc tượng từ gốc tre, theo anh Đỏ, cần sự sáng tạo nhiều hơn. Bởi, mỗi gốc tre với nhiều hình dạng, với những bộ rễ đi theo dài ngắn tùy kiểu. Người thợ tạc tượng từ gốc tre cần có đôi mắt liên tưởng ra những hình dáng phù hợp với từng gốc, không gốc nào giống nhau nên số tác phẩm tượng gốc tre luôn đa dạng về hình thù, kích cỡ.

Để cho ra một thành phẩm hoàn chỉnh và đẹp như hiện tại, những ngày đầu tiên anh phải sửa đi làm lại nhiều lần mới xong một bức tượng vừa ý. Đơn giản, mộc mạc là điều mà mọi người rất dễ cảm nhận được khi thoáng nhìn ra gian trưng bày tượng của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ. Tuy nhiên, ẩn trong cái chân chất đó là bao nhiêu nét tài hoa, sự sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ.

Giá trị từ nét mộc mạc, đơn sơ nhất

Hiện tại, ở cơ sở của anh Phương Đỏ có làm ra các bức tượng như Thập bát La hán, Hải Thượng Lãn Ông, Phước - Lộc - Thọ, Đạt Ma tổ sư, Quan Vân Trường, Trương Phi... với kích cỡ to nhỏ nhiều loại. Điều đặc biệt góp phần làm nên tên tuổi của người nghệ nhân này chính bởi tất cả các tác phẩm anh tạo ra chỉ có phần đầu. Bởi lẽ, ở phần rễ của gốc tre, đó là chi tiết được anh dùng tận dụng để khắc họa nên các bộ râu trên gương mặt cho bức tượng.

Được biết, giá thành của một sản phẩm tượng gốc tre của anh Đỏ dao động từ 150 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy vào độ khó và kích thước lớn nhỏ khác nhau. Gốc tre thu mua về phải trải qua quá trình ngâm, vệ sinh đất cát bên trong sạch sẽ, rồi lại phơi khô, cuối cùng mới đến công đoạn đục tạo hình. Kỳ công là vậy nhưng nghệ nhân Phương Đỏ vẫn không ngừng sáng tạo từng ngày. Cũng theo anh Đỏ, để đục nên các đường nét trên gương mặt tượng Phật, đòi hỏi tâm trí người thợ đục phải tập trung mới làm nên pho tượng có hồn.

Hằng ngày, khách du lịch tham quan, khách hàng từ nhiều nơi vẫn tìm đến chiêm ngưỡng và hỏi mua loại tượng độc nhất vô nhị này. Để rồi những món hàng lưu niệm làm từ gốc và rễ tre của anh Đỏ đã được đưa đi nhiều nơi trong nước lẫn nước ngoài. Trải qua khoảng thời gian gần 20 năm làm nghề tạc tượng gốc tre cũng là chừng ấy thời gian tạo nên thương hiệu “người đàn ông thổi hồn vào gốc tre Huỳnh Phương Đỏ”.