Thầy, trò bày tranh đón xuân

Thầy giáo, họa sĩ Trần Hoàng Sơn, Phó Trưởng khoa Hội họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng học trò Đỗ Hoàng Thùy Dương sẽ giới thiệu 10 tác phẩm mới nhất trong cuộc trưng bày “Màu Xanh Dương”.

Thầy, trò bày tranh đón xuân

Trong đó, ba tác phẩm của họa sĩ Trần Hoàng Sơn như một bệ đỡ, cành cây vững chắc cho bảy bức tranh của học trò Đỗ Hoàng Thùy Dương là những nụ hoa bé xinh, xanh biếc hé nở. Cả hai thầy, trò đều hướng tới thế giới nội tâm của con người. Tác phẩm của thầy mang triết lý về nhân sinh quan của con người gắn liền với sự biến ảo, xoay vần của sự vĩnh hằng. Với chất liệu giấy dó quen thuộc, họa sĩ Trần Hoàng Sơn dùng bút pháp biểu hiện mang tới người xem sự tĩnh lặng đầy suy niệm. Còn Đỗ Hoàng Thùy Dương lại gửi một ngọn gió mới mẻ với những bức tranh mang tinh thần tuổi trẻ. Mầu xanh dương chủ đạo xuyên suốt các tác phẩm, thể hiện cái nhìn lạc quan trước cuộc sống. Bằng ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật mầu nước thành thạo, Dương bày tỏ nhiều khía cạnh cảm xúc và nhận thức xã hội.

“Màu Xanh Dương” được tổ chức vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 11-1-2020 tại ChiArt Studio, phòng 416, nhà B6 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.

Nhà hát múa rối “Nụ Cười” ra mắt điểm diễn cố định

Đó là khuôn viên Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Nhà hát sẽ tổ chức các show: múa rối cạn tại khu vực Nhà hát Nón lá, múa rối nước tại Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, show diễu hành cùng các con rối vui nhộn trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao động. Chương trình dành cho thiếu nhi trong nước, được thực hiện định kỳ mỗi tháng một lần. Riêng các sáng thứ bảy, nhà hát sẽ lần lượt tổ chức các suất biểu diễn chuyển ngữ tiếng Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dự kiến, nhà hát còn tổ chức biểu diễn phục vụ con em người nước ngoài đang sinh sống và học tập tại TP Hồ Chí Minh, cũng như các chương trình diễn kịch rối, kịch rối lịch sử luân phiên tại các trường tiểu học, trung học trên địa bàn.

Đường bích họa “Cần Thơ, xưa và nay”

Con đường được hình thành bởi các bức bích họa trên hai bên tường của đường Trần Quốc Toản, dài khoảng 800 m², đoạn gần Bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ, do các họa sĩ đường phố thực hiện. Những hình ảnh được tái hiện truyền tải không gian văn hóa, sinh hoạt của người dân Cần Thơ - vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của miền Tây sông nước. Đó là xe lôi và xe lam - phương tiện giao thông phổ biến một thời tại miền Tây, những đoạn phố cổ; chợ cổ Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, cầu khỉ… Theo dự kiến, con đường bích họa “Cần Thơ xưa và nay” sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.