Tết ấm cúng

Tại đình Kim Ngân (số 42 - 44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban quản lý Phố cổ vừa khai mạc ngày đón “Tết phố” đặc sắc, để mở đầu cho tuần Tết 2020 giữa khu phố cổ Hà Nội. Phối hợp nhóm Đình làng Việt, đơn vị tổ chức tại nhiều điểm như Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Đào Duy Từ, Trung tâm Thông tin Di sản 28 Hàng Buồm, Không gian phố bích họa Phùng Hưng và chợ hoa Tết Hàng Lược…

Không gian đón Tết được giới thiệu song hành từ trong một gia đình Hà thành cổ truyền sẽ như thế nào. Cho đến lễ dựng cây nêu cùng với diễn xướng dân gian: hát, múa cửa đình (Hải Phòng), hát xoan (Phú Thọ), múa bồng (Hà Nội), hát chèo, hát văn… Hình tượng con chuột trong văn hóa dân gian cũng được trưng bày giới thiệu cùng với buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh cổ nhạc… “Tết phố” sẽ diễn ra cho đến hết ngày 9-2 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Canh Tý).

Chào Tết Canh Tý, Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa trao tặng Giải thưởng Âm nhạc 2019 của Hội cho các tác phẩm xuất sắc được chọn lựa và chấm giải từ hơn 200 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Giải A được trao cho các tác phẩm: “Đón bình minh” - độc tấu đàn tranh cùng dàn nhạc của nhạc sĩ Thúy My, đêm nhạc “Tri ân quê hương” của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí, đêm nhạc “Niềm tin” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, công trình nghiên cứu “Âm hưởng dân ca - Dân ca Nam Bộ trong ca khúc Việt Nam” của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Đặng Văn Bông. Ngoài ra, có 24 giải B, 24 giải C và 16 giải khuyến khích cho các tác phẩm thuộc nhiều thể loại như ca khúc thiếu nhi, ca khúc nghệ thuật, chương trình biểu diễn, tác phẩm giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, sách nghiên cứu, sách giáo trình, báo chí về âm nhạc…

Trong những ngày thời tiết chuyển lạnh hơn, để náo nức chào đón những ngày sắp tới, mọi gia đình đoàn tụ, ngoài việc đón Tết nay, sẽ không thể thiếu việc ngoảnh lại ngày xưa để chiêm ngưỡng những ngày đón Tết từ trong lịch sử. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức triển lãm chuyên đề ấn tượng mang tên “Tết Hoàng cung trong Mộc bản triều Nguyễn”. Ban tổ chức triển lãm lựa chọn giới thiệu đến công chúng 32 tài liệu tiêu biểu chia làm ba phần gồm: Các vua triều Nguyễn và công tác chuẩn bị cho Tết Nguyên đán; các nghi lễ thưởng Tết Nguyên đán. Các tài liệu ghi lại nhiều hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán ở Hoàng cung như ban lịch cho năm mới, lễ rửa ấn, lau chùi các sách phong, lễ cúng ở các miếu thờ tiên đế, lễ xóa bỏ những điều xấu của năm cũ, lễ Tiến xuân - Nghinh xuân… Triển lãm cũng kéo dài đến qua rằm tháng Giêng, là một bước triển khai Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyền - Di sản tư liệu thế giới” đã được Chính phủ thông qua. Đây là dịp để người xem tiếp cận và hiểu hơn về ngày Tết của dân tộc từ di sản tư liệu thế giới Mộc bản, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử của các dân tộc Việt Nam…