Sinh động nhiều cách “gặp” nàng Kiều

Dự án mang tên “Nàng Kiều” do Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe tại Việt Nam hợp tác, được dư luận chú ý. Chuẩn bị cho cuộc ra mắt tháng 10 này tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thời gian qua đã có đến bốn đạo diễn được mời dàn dựng các vở diễn ngắn khác nhau với dung lượng 20 - 25 phút mỗi vở, khai thác từ các trích đoạn kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Các đạo diễn chia sẻ với Thời Nay.

Cảnh trong vở do đạo diễn người Đức Amelia Niermeyer dàn dựng.
Cảnh trong vở do đạo diễn người Đức Amelia Niermeyer dàn dựng.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến (Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - điều phối dự án):

Cần tìm cách kể mới

Ở Việt Nam, Truyện Kiều được biết đến từ rất lâu, câu chuyện gây ấn tượng mạnh với rất nhiều thế hệ. Và với sân khấu thì có rất nhiều các hình thức dựng Kiều khác nhau, nhưng về cơ bản thì là minh họa Kiều.

Nếu chúng ta tiếp tục duy trì hình thức như vậy từ chèo, cải lương, kịch nói thì liệu tác phẩm đó, câu chuyện đó có đi xa với kỳ vọng của thế giới hiện đại ngày hôm nay không. Hình thức minh họa lại câu chuyện sẽ tiếp tục như thế nào và đến bao giờ khi mà thế giới biến đổi rất nhiều? Chúng tôi có tham vọng kể Truyện Kiều bằng những hình thức khác nhau. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ có những tác phẩm Kiều do người nước ngoài biểu diễn ở đâu đó trên thế giới vì câu chuyện thật sự cuốn hút người phương Tây ngày hôm nay. Qua đó, chúng tôi đã bàn bạc và tìm ra bốn vị đạo diễn “đặc biệt” cho dự án lần này.

Đạo diễn Đức Amélie Niermeyer:

Hy vọng thêm nhiều nghệ sĩ các nước tham gia

Để nói Truyện Kiều có nổi tiếng ở Đức như ở Việt Nam thì chưa, chỉ những người có sẵn mối quan tâm đến văn hóa Việt Nam rồi họ mới biết đến, còn độc giả phổ thông ở Đức cũng chưa hiểu và chưa biết được Truyện Kiều nhiều. Chính vì thế, tôi cảm thấy mình rất may mắn vì được tham gia dự án lần này, tôi hy vọng trong tương lai có thể mời thêm nhiều nghệ sĩ các nước khác tham gia và theo đuổi dự án về Kiều vì bản dịch tiếng Đức là một bản văn học rất tuyệt vời.

Tôi cảm thấy quá mạo hiểm về cách tiếp cận vì tôi là đạo diễn đến từ nền văn hóa khác. Tôi không cố gắng kể câu chuyện theo nguyên bản vì tôi biết chắc rằng có những đạo diễn ở đây họ nắm rõ câu chuyện và ngôn ngữ hơn tôi. Tôi sẽ làm theo cách khác, tôi cũng muốn biết những diễn viên tham gia dự án này, họ đọc Kiều như thế nào, cảm giác suy nghĩ của họ về Kiều ra sao.

Hình thức tôi lựa chọn là sử dụng sân khấu tài liệu trong khoảng thời gian dưới 30 phút, tôi muốn bàn đến vấn đề mang tính thời sự ở trong Truyện Kiều. Thí dụ như cách đàn ông đối xử với phụ nữ, rồi suy nghĩ của mọi người về mối quan hệ bên ngoài hôn nhân.

NSND Hồng Vân:

Sẽ làm không giống ai

Tôi rất mê Truyện Kiều vì lịch sử, vì ý thơ rất dễ thuộc. Nhưng tôi thấy Kiều chính là bản ngã của Đạm Tiên chẳng qua Đạm Tiên đã chết rồi. Và bây giờ nhận ra bản ngã giống mình và muốn trở lại để còn làm nhiều điều dở dang, khi nhận ra hai bản ngã này giống nhau thì tôi nhận ra một người phụ nữ nữa là Hoạn Thư mà tôi thích nhất trong Kiều lại là Hoạn Thư, tác phẩm của tôi làm sẽ không giống ai, vẫn là cách truyền thống, có người dẫn thơ và có những người minh họa cho bài thơ. Điều tôi muốn làm rõ nhất trong tác phẩm này là phụ nữ khổ hay sướng hoàn toàn là do mình.

NSƯT Trần Lực:

Nàng Kiều rất mạnh mẽ

Dự án này hấp dẫn chúng tôi bởi vì chúng tôi đều phải có những cái mới, những cái đương đại, làm cho nghệ sĩ chúng tôi sáng tạo không có biên giới. Tôi là đàn ông, tôi sẽ kể Truyện Kiều theo cách của Trần Lực. Với tôi Kiều đẹp và tài năng, nhưng quan trọng những người đàn ông chung quanh Kiều là ai, họ như thế nào? Trên sân khấu chỉ 25 phút thôi, các bạn sẽ thấy rằng chung quanh nàng Kiều thì đàn ông chẳng là gì, đấy là quan điểm của tôi, và với tôi Kiều rất mạnh mẽ, trải qua bao biến cố, nàng đã trưởng thành nhưng tâm hồn luôn trong sáng, đó là nét đẹp nhất của Kiều để nàng tồn tại vĩnh viễn.

NSƯT Bùi Như Lai:

Đưa điện thoại di động vào vở diễn

Tôi lấy tinh thần của Kiều của tác giả Nguyễn Du để dàn dựng tác phẩm của mình. Tôi nhìn thấy rất rõ vấn đề định kiến về bạo lực trong câu chuyện, không hiểu sao vấn đề đó kéo dài cho đến tận bây giờ. Bản dựng của tôi sẽ có rất nhiều dây thừng, quan điểm của tôi: dây thừng là sự trói buộc và định kiến, cụ thể như là có những người đàn ông sinh ra đã có những định kiến, và chính những điều đó cũng tạo ra bi kịch cho họ.

Trong vở diễn tôi cũng mạnh dạn sử dụng khá nhiều công nghệ, thí dụ như điện thoại di động, loa kết nối bluetooth, đài… Đôi khi với những vấn đề liên quan đến xã hội, đến định kiến, nếu chúng ta phản ánh sai thì sẽ tạo ra một tâm lý đám đông, ảnh hưởng đến người trong cuộc rất nhiều. Vở diễn của tôi có một phụ nữ hiện đại và một phụ nữ phong kiến, họ tồn tại cùng với nhau ở trên sân khấu, và trên hành trình sống của mình thì họ có thể gặp rất nhiều thứ, họ luôn hướng tới tự do của nàng Kiều.