Sau tôn vinh là điều gì tiếp theo?

Một nghệ nhân quan họ tiêu biểu vừa được tôn vinh đầy ý nghĩa dù muộn. Và chính vì muộn, nên sự đánh giá, ghi nhận đầy đủ, sâu sắc hơn về cụ là cả một vùng trống cần sớm bù đắp. Đặc biệt khi việc này sẽ thêm những gợi mở hay cho nghiên cứu, phát triển và sáng tạo quan họ hôm nay.  

Tặng các bài hát của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi cho các CLB quan họ.
Tặng các bài hát của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi cho các CLB quan họ.

1. Đêm tôn vinh nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi (1912 - 1997), người thầy đầu tiên của Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh (nay đã lên nhà hát) vừa diễn ra tối 18-11 đầy cảm động và hào hứng tại một hội trường của khách sạn Phú Sơn tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, với sự nhiệt tình tổ chức của Hội VHNT tỉnh và sự cảm kích của gia đình. 

Không thể không kể đến hàng trăm người có mặt với rất nhiều liền anh, liền chị đủ đầy áo khăn như đi hội, đến từ gần 20 CLB quan họ, có cả CLB từ Bắc Giang và Hà Nội, có cả nghệ sĩ bay từ trong TP Hồ Chí Minh ra chung vui. Cùng nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu là học trò của thầy Sôi. Đêm tôn vinh với các tiết mục trình diễn các bài quan họ do nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi sáng tác và phần giới thiệu, chia sẻ của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về con người, nghệ thuật của cụ Sôi, bỗng dưng mang một không khí của lễ hội. Không chỉ bởi lần đầu tiên có một chương trình tôn vinh cụ nên nhiều CLB về tham dự đến thế. Mà có lẽ, còn chính bởi sự hiếm hoi và muộn mằn của việc tôn vinh này, khiến nhiều người quan tâm. Cho nên, đêm tôn vinh ngoài niềm vui hạnh phúc, dường như còn diễn ra trong không khí bâng khuâng, nhớ tiếc.

2. Và còn xen lẫn bồi hồi khi Chi hội âm nhạc - Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện được một đoạn phim tài liệu để phát cho cử tọa xem, với nhiều tư liệu quý ghi hình các trang bản thảo viết tay của cụ Sôi, hình ảnh cụ tập hát, giảng giải với các liền anh, liền chị trong không gian nhà cổ ở quê hương Ngang Nội, xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh. Quý hóa nữa, khi sau nhiều năm gìn giữ, NSƯT Lệ Ngải, con gái cụ Sôi, cùng gia đình quyết định photo tặng đông đảo các CLB những bài hát quan họ mà cụ sáng tác, cụ đặt lời đối, để nhiều người hát gần xa có thêm cơ sở tập luyện tác phẩm của cụ Sôi, vốn đã được coi như quan họ cổ.

Thực ra, mấy chục bài quan họ mà cụ viết, đã và đang được sống trong cộng đồng ca hát quan họ rồi. Nhưng việc tôn vinh và chia sẻ tư liệu quý như một sự khẳng định thêm, rõ ràng hơn, về một nghệ nhân được đánh giá là tiêu biểu nhất trong các nghệ nhân quan họ, là cây đại thụ trong làng quan họ. Và việc từ nay trở đi, với ý thức giới thiệu tên tác giả Nguyễn Đức Sôi khi hát, nghiên cứu, sử dụng các bài ca của cụ, thì người ta càng thể hiện thái độ trân trọng những bài quan họ cổ có xuất xứ hẳn hoi với người viết ra chúng. Đặc biệt còn ở ý nghĩa khích lệ khi việc sáng tạo, phát triển quan họ vốn vẫn được nêu cao nhưng làm được không hề dễ dàng. Bởi phải hiểu văn hóa quan họ, âm hưởng giai điệu, ca từ quan họ, biết làm thơ, có vốn ngôn ngữ dân tộc phong phú…, mới có thể sáng tác được các bài quan họ thuyết phục. Và nếu hiểu rõ hơn về tài năng, phương pháp, kinh nghiệm sáng tác của cụ Sôi, thì các tác giả hôm nay, sau này sẽ có thể viết tốt hơn, hay hơn. 

3. Ý nghĩa và tính thiết thực đó, tiếp tục đặt ra mong mỏi nghiên cứu kỹ hơn, dài hơi hơn về một nghệ nhân tiêu biểu và đóng góp quan trọng của cụ cho quan họ. Như chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, thì hồi cụ Sôi còn sống, ông được nhiều dịp gặp cụ khi sang nghiên cứu quan họ, chính cụ đã động viên: Anh biết Hán Nôm, anh viết bài quan họ đi! Và cụ bảo luôn nhà nghiên cứu viết đối bài “Ăn ở trong rừng” nổi tiếng của mình mà cụ đã khai thác ca từ của bài chèo “Đường trường trong rừng” để viết cho quan họ. Tác giả Nguyễn Hùng Vĩ từ đó mà sớm có bài “Ăn ở dưới thuyền” đối lại “Ăn ở trong rừng” một cách hoàn chỉnh. Nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác ca khúc mới cũng hết sức coi trọng cụ Sôi, như bộc bạch của nhạc sĩ Trọng Tĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường trung cấp nghệ thuật tỉnh: Với chúng tôi, về một mặt, chúng tôi cũng coi cụ Sôi như một người thầy. Và trong quá trình sáng tác những ca khúc về quan họ, mang âm hưởng dân ca quan họ, chúng tôi đã có sự tham khảo, học hỏi từ cụ. 

Chi hội âm nhạc tỉnh Bắc Ninh đang có thiện ý cùng với gia đình tổ chức xuất bản tập bài hát của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi. NSƯT Lệ Ngải cho biết, ngoài phần lời ca, các nhạc sĩ dự định sẽ ký âm các bài hát để thể hiện thành bản nhạc, sẽ thuận tiện cho các nhạc sĩ, nhạc công khi sử dụng để đệm cho bài ca, khi biểu diễn trên sân khấu. Ngoài ra một số thông tin, bài vở nghiên cứu về con người, tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi khi được thực hiện, tập hợp đưa vào sách, sẽ cung cấp rõ hơn cho bạn đọc có nhu cầu ca hát, tìm hiểu, nghiên cứu về cụ. 

Như vậy thì tổ chức một đêm tôn vinh cụ xong, rõ ràng là vẫn còn… ngổn ngang lắm! Nhưng đã được đi một bước rồi, những bước đi tiếp theo sẽ thêm quyết tâm và cảm hứng trong con cháu cụ, trong đông đảo những người kính mến, khâm phục cụ. Sau vai trò phối hợp tổ chức đêm tôn vinh vừa qua của Hội VHNT tỉnh, phải chăng những câu hỏi tiếp theo sẽ dành cho Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thậm chí cả UBND tỉnh trong việc có một kế hoạch nghiên cứu hoặc một hội nghị, hội thảo về nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, người đã đi xa nhưng tài hoa sáng tạo vẫn chung nhịp đập với người quan họ.