Sân khấu vượt khó

Năm 2019, sân khấu có nhiều liên hoan toàn quốc, quốc tế… Với đông đảo khán giả, ngành nghệ thuật này cũng đang dần có thêm sức hấp dẫn nhờ vào những cố gắng của các đơn vị nghệ thuật.

Cảnh trong vở “Ngược chiều gió” của Nhà hát Tuổi trẻ.
Cảnh trong vở “Ngược chiều gió” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Ngẫm sự kiện lớn

Phải kể tới các liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc, chèo, rồi liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm... Những kỳ cuộc này đã trở thành nguồn động viên tinh thần với các nghệ sĩ đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sự mai một của nghệ thuật diễn xuất ở các hình thức tuồng, chèo là có thật khi các diễn viên trẻ không thể có được bầu không khí nghệ thuật đúng như nó cần có. Đó là chưa kể, những liên hoan vẫn còn những quyết định chưa thật hợp với đánh giá chung của người làm nghề như trao giải thưởng cho vở diễn, giải cá nhân... còn chưa thuyết phục, gây bức xúc cho người yêu nghệ thuật.

Nhưng điểm sáng của sân khấu cũng đã được bộc lộ với Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV. Người yêu sân khấu có thêm niềm tin khi đánh giá về lực lượng nghệ sĩ Việt có đủ tầm để tham gia những sự kiện sân khấu lớn của thế giới. Ở sân chơi này, với những hình thức sáng tạo độc đáo của rối, xiếc và một số vở diễn của kịch nói Việt..., chúng ta cũng đã có những thành công đáng kể. Nhưng cũng tiếc nuối khi thành phần sáng tạo chủ yếu của các tác phẩm đáng giá này phần lớn lại từ các đạo diễn nước ngoài. Năng lực của chính chúng ta chưa thật đủ lớn mạnh khi chưa có nhiều những vở diễn được bạn bè thế giới khâm phục.

Bức tranh cơ chế

Tin sân khấu kịch Hồng Vân phải chia tay điểm diễn từng gắn bó hơn chục năm qua khiến nhiều người không khỏi hụt hẫng. Dễ nhận ra sự thiếu bình đẳng trong hoạt động của sân khấu nước nhà. Nhà hát công lập dù nhỏ cũng đều có được địa điểm biểu diễn, được hỗ trợ kinh phí vận hành... Nghệ sĩ trong các đơn vị công lập luôn được bảo đảm một mức lương ổn định, và hiện nay, họ đã nhận được sự cảm thông của lãnh đạo đơn vị mình, được tạo điều kiện để có thể tham gia các show diễn bên ngoài việc của nhà hát. Mà thời gian dành cho việc chạy show này hiện nay trong bối cảnh “tối đèn” của các đơn vị phía bắc là tương đối… nhiều. Bên cạnh đó, việc các nghệ sĩ tự tổ chức làm các chương trình nhân những dịp lễ, Tết mang tính thời vụ như chương trình cho thiếu nhi nhân Tết 1-6, Trung thu… hay các chương trình hài ăn khách… lại rất được tán đồng như một cách làm xã hội hóa đầy năng động. Trong khi đó, các đơn vị ngoài công lập phải thuê mướn địa điểm để tập vở, để biểu diễn, để tồn tại nên gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do khiến nhiều đơn vị sớm lập ra, tối đã phải rã đám… Cũng vì tự đầu tư, nên phần nhiều các tác phẩm đều tránh nặng tìm nhẹ, dàn dựng đầu tư ít tốn kém nhất, khó có thể đạt tới độ chuẩn nào đó của sân khấu… Lại càng khó có những vở đầu tư cho ra tấm, ra miếng có những đổi mới mạnh mẽ được.

Các đơn vị sân khấu ngoài công lập hiện nay đang thể hiện đúng tính chất: vui thì chơi, không vui thì bỏ. Việc thành lập một sân khấu quá dễ dàng, thiếu hẳn những điều kiện pháp lý ràng buộc và lại càng thiếu những diễn viên gắn bó chặt chẽ với một đơn vị. Trong bức tranh chung đó, lại càng cần cổ vũ, chia sẻ với các đơn vị gắng hoạt động, tìm hướng đi riêng cho mình như sân khấu Hoàng Thái Thanh, IDECAF, 5B Võ Văn Tần, Thế giới trẻ... Hà Nội cũng có sân khấu Lucteam, Sân khấu Lệ Ngọc hoạt động khá hiệu quả...

Một hai phép thử

Ngoài các sự kiện sân khấu, người theo dõi có thể tìm thấy những vấn đề đáng chú ý. Đó là sự ra đời của những vở diễn ngày càng đi theo xu hướng “đời thường, đời thường hơn nữa”. Ngoài những vở có hơi hướng hài hước thì những vở diễn chính kịch như “Ngược chiều gió”, “Diều ơi”... đã cố gắng bám sát ngôn ngữ đời sống hằng ngày, đến gần hơn với giới trẻ. Có những đơn vị đã nắm bắt tốt khuynh hướng của khán giả trẻ để tìm cách tiếp cận tốt hơn như sân khấu Lucteam, hay Nhà hát Tuổi trẻ với hình thức bán vé online…

Một số đơn vị lại tìm kiếm con đường đến với du khách như chương trình của Nhà hát Chèo Việt Nam được đa dạng hóa để thêm lượng khán giả. Hay vừa qua, Festival “Hội ngộ Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” được diễn ra với một chương trình sân khấu - du lịch độc đáo quy tụ được hơn 140 nghệ sĩ, giáo sư, giảng viên và sinh viên chuyên ngành sân khấu biểu diễn đến từ 19 trường nghệ thuật sân khấu thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mô hình gắn sân khấu với du lịch đã được đạo diễn Lê Quý Dương mạnh dạn thử nghiệm, khởi đầu từ ý tưởng sân khấu có thể ở bất cứ đâu để gần với khán giả hơn.

Một năm qua đi, sân khấu Việt Nam vẫn phải miệt mài và nỗ lực đi tìm người xem. Những cố gắng đó là động lực, là niềm tin để người làm nghề đổ mồ hôi, chất xám cho cuộc tìm kiếm này.