Sách số lao đao chống vi phạm bản quyền

Số hóa sách đang được triển khai, bước đầu có tín hiệu khả quan. Nhưng để đi chặng đường dài, 
thách thức còn quá lớn. 

Thị trường sách đang mong chờ những tín hiệu khả quan từ các mô hình số hóa.
Thị trường sách đang mong chờ những tín hiệu khả quan từ các mô hình số hóa.

Tiềm năng kèm khó khăn

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đến hết năm 2020, Việt Nam có đến 145 triệu thuê bao di động, trong đó hơn 70 triệu thuê bao sử dụng các dữ liệu trên mạng. Nước ta cũng đứng tốp đầu về tỷ lệ người dân sử dụng internet (70%), vượt 19% so tỷ lệ bình quân của thế giới và gần 26% so các quốc gia đang phát triển. Thống kê khác cho thấy, mỗi ngày, trung bình một người dân Việt dành đến… 6 giờ 42 phút trên môi trường mạng; hiện chúng ta có hơn 69 triệu người tham gia mạng xã hội Facebook.  

Đây là cơ hội lớn cho các nhà xuất bản (NXB), đơn vị làm sách trong việc thiết lập kênh tiếp cận mới. Quản lý, thực hiện quy trình làm sách, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh phát hành… trực tuyến đã không còn xa lạ. Ebook (sách điện tử) cũng liên tục được nhiều NXB thí điểm, triển khai. Thế nhưng cơ hội lớn bao giờ cũng đi kèm với những thách thức. 

Sau hơn 10 năm bước vào sân chơi mới, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vẫn mệt mỏi với thực trạng vi phạm bản quyền trên internet. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sachweb của NXB cho rằng, việc làm giả rồi nhanh chóng chia sẻ miễn phí sách điện tử trên mạng hay bán với giá cực rẻ mà nhiều cá nhân, tổ chức đang bất chấp thực hiện đã làm cho thị trường của những đơn vị làm sách điện tử có bản quyền đáng lẽ rất tiềm năng, bị thu hẹp trầm trọng.

Xuất hiện từ tháng 9-2019, đến nay, Voiz FM là ứng dụng sách nói bản quyền được nhiều người Việt Nam tin dùng. Nhưng Voiz FM cũng tốn nhiều thời gian, công sức và cả chi phí cho việc “gỡ” các bản Audiobook vi phạm bản quyền trên nền tảng số. Chỉ từ tháng 7-2020 đến nay, Voiz FM đã “gỡ” trên 30 nghìn nội dung vi phạm bản quyền ở những nền tảng lớn với rất nhiều người sử dụng, chia sẻ. Dự kiến cuối năm nay, con số này có thể lên tới 100 nghìn nội dung.

Ai tháo gỡ?

Bước vào thị trường Ebook từ năm 2012, sau đó là Tem thông minh chống sách giả, mã QR tích hợp thông tin trên sách giấy… rất nhiều ứng dụng công nghệ được NBX Trẻ sử dụng. Từ cuối năm 2020, đơn vị này bắt đầu tham gia thị trường sách nói. “Tem thông minh giúp chúng tôi nắm bắt được thị hiếu đọc sách của khách hàng, trong khi việc tích hợp thông tin trên mã QR tạo cho các biên tập viên cách tư duy dựa trên công nghệ. Kênh truyền thông, quảng bá thương hiệu và bán hàng cũng được số hóa, giúp NXB đến gần độc giả”, ông Nguyễn Thành Nam, quyền Tổng Biên tập, Phó Giám đốc NXB Trẻ cho hay.

Tuy nhiên, NXB này cũng đã nhiều lần yêu cầu các kênh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội gỡ thông tin vi phạm nhưng cuối cùng… đâu lại vào đó. Sách giả, sách lậu từ bản giấy đến Ebook, Audiobook đều được chia sẻ với tốc độ “chóng mặt”, khiến NXB ngại đầu tư khoản lớn cho hình thức này như trước nay đã từng. Ông Nam cho rằng, nếu không tăng mức xử lý vi phạm, các nhà làm sách trong nước sẽ tiếp tục “khóc ròng” với nạn vi phạm bản quyền.

“Chúng tôi chờ một hệ sinh thái để các đơn vị làm sách vừa tập trung, vừa lan tỏa giá trị. Hiện nay, các đơn vị làm sách điện tử mỗi bên một ứng dụng, bạn đọc muốn đọc sách của đơn vị nào phải tải app của đơn vị đó. Nhiều năm nay chưa giải quyết được bài toán này. Nếu có một hệ sinh thái sách điện tử của nhiều đơn vị uy tín, độc giả chỉ cần đến một địa chỉ để khai thác, tiếp cận nhiều đầu sách và bản thân các NXB, các đơn vị làm sách cũng có thể khai thác sách của nhau, tiết kiệm và thuận lợi hơn rất nhiều”, bà Diễm Phương gợi ý.

Theo Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, các NXB, đơn vị làm sách tại Việt Nam không thể tránh xu thế chuyển đổi số vì đây là “mệnh lệnh” cho sự phát triển. Muốn vậy, trước tiên cần thay đổi nhận thức cho cả người đọc và người làm sách. Quá trình tuyên truyền liên quan đến bản quyền cần đi kèm với những chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Việc xử lý cũng phải nghiêm khắc, đồng bộ hơn và chuyện này không chỉ dành cho các nhà quản lý mà cần cả hệ thống vào cuộc để tạo nên sự đồng bộ.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP Hồ Chí Minh: “Công nghệ sẽ góp phần đưa văn hóa đọc đến công chúng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, đây là xu thế của sự phát triển chứ không phải là thay thế. Mặt trái của công nghệ chính là nạn vi phạm bản quyền khi sách điện tử còn dễ làm giả và làm giả nhanh chóng hơn sách in rất nhiều. Bản thân cơ quan quản lý và các đơn vị làm sách sẽ phải đấu tranh mạnh mẽ hơn để dẹp tình trạng này”.

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty WeWe, đơn vị quản lý ứng dụng sách nói Voiz FM: “Đầu tư cho công nghệ và liên tục nâng cấp lên các phiên bản tiên tiến hơn là điều mà các đơn vị làm sách điện tử, sách nói phải hướng tới. Chúng tôi vẫn ngày đêm tìm kiếm và phản hồi về các kênh vi phạm bản quyền, điều này tốn kém và mỏi mệt nhưng vẫn phải làm tới cùng để hỗ trợ thị trường”.

Bà Nguyễn Thị Hồng, giáo viên một trường tiểu học quốc tế tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh: “Tôi rất thích sự tiện dụng và cập nhật của phiên bản sách điện tử, sách nói. Tuy nhiên, vẫn mong chờ những cải tiến phong phú hơn về tích hợp công nghệ. Độc giả muốn chi trả tiền cho những ứng dụng mượt mà, nhiều đầu sách thú vị, sách bán chạy, cập nhật kịp thời so thị trường sách in chứ không phải tạo ra một kho rõ nhiều nhưng toàn sách cũ, sách nội dung chưa hấp dẫn”.