Ra sách ở tuổi 102

Hoặc “quên” mình đã ở tuổi ngoài trăm, hoặc “nhận rõ” là mình đã đến 102 tuổi, nên nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc “bỏ qua” cản trở tuổi tác, sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho cuộc đời bộ sách mới hai quyển mang tên “Cảo thơm lần giở” (NXB Kim Đồng).

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và bìa sách mới ra.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và bìa sách mới ra.

Trữ lượng dồi dào của tri thức, thông tin, vốn liếng văn hóa dày dặn và chiều sâu suy ngẫm trong cụ Hữu Ngọc, đã thôi thúc việc thực hiện bộ sách trên, với mong muốn chuyển tải những giá trị lớn lao của tinh hoa văn hóa, khoa học, nghệ thuật… nhân loại đến với bạn đọc phổ thông trong nước. Theo đó, cuộc đời và tư duy của hơn 180 danh nhân Đông Tây kim cổ đại diện cho các nền văn hóa của nhân loại được tác giả khái quát, kể với bạn đọc một cách thân thiện, gần gũi qua từng trang sách. Từ những giáo chủ như Phật Thích Ca, Chúa Jésus, tiên tri Muhammad; những triết gia như Khổng Tử, Sokrates, Hegel, Sartre...; những nhà khoa học như Darwin, Einstein; những nhà văn, nhà thơ như Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Dostoyevsky, Lỗ Tấn, Tagor, Molière...; những chính khách như Kennedy, Mandela, Obama...; những nhà chiến lược quân sự như Tôn Tử, Machiavelli...; những nghệ sĩ như Leona de Vinci, Picasso, Guitry... Tác giả cũng đưa giới thiệu trong cuốn sách ba danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.

Trong cuốn sách, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc đã khắc họa một cách khái quát, xúc tích cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của mỗi nhân vật đó. Đồng thời, tác giả chọn những câu danh ngôn nổi tiếng của họ để chia sẻ như những bài học thú vị. Nhà văn người Mỹ Lady Borton, một người bạn thân thiết của tác giả cảm nhận: “Có thể coi đó là một tập ký đậm màu sắc cá nhân… Mời bạn đọc cùng Hữu Ngọc thực hiện một chuyến lãng du văn hóa qua thời gian và không gian, để tìm con người muôn thuở”.

Có lẽ chính “màu sắc cá nhân” đó đã khiến cho những lời kể của tác giả thêm ấn tượng và cảm xúc. Ra mắt công trình mới giàu tâm huyết, cụ Hữu Ngọc bộc bạch: “Cuộc hành hương tìm về quá khứ của bản thân tác giả đã đem lại cho tác giả chút bình thản để hồi tưởng những chuyện riêng tư và cả những sự kiện quốc gia và quốc tế đương thời… Trong quá trình hồi tưởng, tác giả luôn băn khoăn về ý nghĩa các sự việc đã qua, rồi từ đó suy ngẫm về ý nghĩa đời người và phận người… Có phải ai cũng như danh họa Gauguin để có thể dùng một bức họa giải đáp mấy câu hỏi siêu hình muôn thuở: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu? Cuộc hành hương của tác giả rẽ sang ngả khác: qua thư tịch, đi “gõ cửa” các danh nhân thế giới để tìm những giải đáp cho câu hỏi trên. Thành quả “tầm sư” ấy là cuốn sách này”.