Quả đồi thuở ấy khắc ghi

Có một quả đồi, nơi một xóm (ấp) bình dị, thân thương, hơn bảy chục năm qua đã đi vào lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp suốt chín năm trời, là dấu mốc của văn học cách mạng nước nhà. Đó là Đồi Cháy ở ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Nơi đây đã là nơi sinh sống, làm việc và hội tụ gặp gỡ của nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sĩ danh tiếng.

Một góc thôn Sậu (ấp Đồi Cháy xưa), nơi nhiều văn nghệ sĩ đã sống trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ảnh: TL
Một góc thôn Sậu (ấp Đồi Cháy xưa), nơi nhiều văn nghệ sĩ đã sống trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ảnh: TL

1. Hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Ban Văn hóa cứu quốc (sau đổi là Hội Văn nghệ Việt Nam) đã ở một thời gian tại thôn Hòa Mục, xã Hợp Đức (Tân Yên). Chính nơi đây Ngô Tất Tố sáng tác vở kịch “Nhà sư giết giặc” cho thanh niên Hòa Mục diễn. Các họa sĩ Quang Phòng, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình tổ chức một cuộc trưng bày tranh tại ngôi điếm làng.

Ở Hòa Mục chừng ba tháng, cuối 1946, Ban Văn hóa chuyển lên ấp Sậu, còn gọi là ấp Cầu Đen vì ấp này gần cầu quét hắc ín, phân biệt với cầu Trắng ở phía trên. Cụ Nguyễn Đức Nên hồi mà tôi gặp vào tuổi 77, đại tá công binh kể rằng, ấp này có tên gọi ban đầu là ấp Ký Nhàn. Ông Nhàn làm thư ký cho Séc-nay, viên chủ đồn điền người Pháp. Ông chủ cho phép ông Nhàn ở thị trấn Nhã Nam (cách Đồi Cháy ba cây số) vào đồi đây chiêu dân lập ấp để đóng thuế cho mình.

Đồi này gần như trọc lốc, đất đỏ quạch vì sỏi son, trông như mầu lửa, bởi thế người dân gọi là Đồi Cháy. Hình như chính nhà văn Nguyên Hồng đã đặt tên như thế. Hồi ấy đồi chỉ có duy nhất vườn cau hơn trăm cây của ông Nhân. Ngoài vườn cây đó ra, đồi rặt những cây hoang dại, sim, mua, chổi xuể, giàng giàng. Những năm đầu, đồi chỉ có ba nhà của ông Ký Nhàn - vợ chồng ông và tá điền. Nhà ông Ký Nhàn năm gian lợp ngói, tường và cổng đều là đất chình. Vài năm sau - tính từ 1946 - có vài ba gia đình đến, chủ yếu là dân làm thuê làm mướn và dân tản cư.

2. Cuối 1947, nhiều văn nghệ sĩ đến đây, trong đó có nhóm từ Hòa Mục chuyển đến: Ngô Tất Tố, Kim Lân, Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn… Nhà ở của các văn nghệ sĩ giống như bao nhà dân khác, đều lợp rạ với những bức tường đất thấp lè tè, sân hầu như lúc nào cũng lầm lụi vì chỉ là đất san, lại bị gà, vịt bới sục, vì gió cuốn thốc và cả vì lũ trẻ nhỏ đùa nghịch, chưa đủ sức tiền của đào giếng, mọi người phải xuống chân đồi để gánh nước suối lên. Nhà văn Nguyên Hồng đã viết bài ký “Ấp Đồi Cháy” ngay tại nơi này rất sinh động và tràn đầy sự sống, niềm tin yêu cách mạng.

Ấp Đồi Cháy là nơi tá túc của nhiều văn nghệ sĩ, có cả bộ đội nhưng ở lâu nhất là các nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân, Ngô Tất Tố, các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn. Các gia đình văn nghệ sĩ đều được xã cấp ruộng để cày cấy, tự cấp lương thực. Nhà văn Nguyên Hồng đưa cả gia đình lên ấp Cầu Đen. Tại Đồi Cháy ngoài việc tích cực tham gia biên tập tạp chí Văn nghệ từ số đầu tiên, phụ trách Trường Văn nghệ nhân dân Việt Bắc, ông sáng tác nhiều ký, truyện ngắn: “Ấp Đồi Cháy”, “Địa ngục và lò lửa”, “Đất nước yêu dấu”, “Đêm giải phóng”, “Giữ thóc”..., phác họa tiểu thuyết “Cửa biển” sau này. Sau hòa bình lập lại tại miền bắc 1954, nhà văn trở về Hà Nội nhưng đầu năm 1959 lại đưa cả gia đình quay về ấp Đồi Cháy (ấp Cầu Đen) và mất tại đây. Có thể nói hầu hết các sáng tác của ông (trừ trước 1945) đều ở ấp này với hàng loạt tác phẩm mà tiêu biểu là các bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ. Ấp Cầu Đen - Đồi Cháy gắn liền với tên tuổi nhà văn. Ông đã ở đó tổng cộng hơn ba chục năm, là nhân chứng mọi buồn vui, đổi thay ở xóm quê này. Nhà văn nhiều lần bày tỏ, Bắc Giang là quê hương thứ hai của mình. Hiện giờ căn nhà xưa của ông vẫn có con cháu ở.

Nhà văn Ngô Tất Tố tại mảnh đất này đã có nhiều bài ký (“Quà tết bộ đội”, “Phiên chợ trung du”…), dịch tác phẩm hiện đại Trung Quốc (“Doãn Thanh Xuân”, “Trước lửa chiến đấu”, “Suối thép”…), kịch hát chèo (“An Lộc”, “Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác”). Ông mất ngay tại Đồi Cháy trước ba tháng hòa bình lập lại. Người bạn gắn bó thân thiết với nhà văn Nguyên Hồng ngay tại ấp Cầu Đen là nhà văn Kim Lân. Chính tại ấp Cầu Đen, ông viết truyện ngắn “Làng” nổi tiếng, hình thành “Con chó xấu xí” (truyện ngắn) rồi hàng loạt tác phẩm “Nên vợ nên chồng”, “Vợ nhặt”, “Bố con ông gác máy bay trên núi Cô Kê”…, viết dở dang tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Đỉnh cao sáng tác của nhà văn Kim Lân đều chủ yếu ở ấp này. Họa sĩ Tạ Thúc Bình tại ấp Cầu Đen, đã có nhiều tác phẩm: “Đóng thuế nông nghiệp” (Tranh tứ bình), “Góp thóc vào kho” (tranh lụa), “Mùa lúa chín” (tranh bột màu)…

Đồi Cháy là nơi gặp gỡ và cũng là nơi sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng: Như Phong, Tú Mỡ, Anh Thơ, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu… Gia đình Nguyễn Đình Thi có thời gian sinh sống ở ấp Cầu Đen. Chính tại nơi này ông đã phác thảo bài thơ nổi tiếng “Đất nước”. Tố Hữu có bài thư “Phá đường” nổi bật hình tượng người con gái Bắc Giang đẹp như một tác phẩm điêu khắc hoành tráng: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/Gió qua rừng đèo Khế gió sang/Em là con gái Bắc Giang/Rét thì mặc rét nước làng em lo…”. Anh Thơ đã cảm xúc viết bài thơ “Suối Đồi Văn hóa” ngay tại Đồi Cháy mà nhà văn Nguyên Hồng nghe xong đã vỗ đùi khen: “Hay! Hay quá!”. Bài thơ kết hợp giữa thực và mơ. Đúng là trong gian khổ, khó nhọc vô cùng ở thời kỳ đầu kháng chiến, nhà thơ vẫn tràn đầy lãng mạn, lạc quan:

“Quanh co suối đồi văn hóa

Trăng vàng chảy suối tháng năm

Không bóng hoa đào rơi cánh

Trắng trời, hoa trẩu trắng… xuân”

3. Đồi Cháy - Đồi Văn hóa kháng chiến là một trong những nơi là mạch nguồn thu hút tinh hoa văn hóa, Văn học nghệ thuật đất nước. Gắn bó với ấp Đồi Cháy, các văn nghệ sĩ mỗi người một hoàn cảnh riêng, mang cả tên tuổi mình, mang cả phần đời đẹp nhất, lúc đang độ sung sức nhất (đa số đều tuổi trên dưới ba mươi), tràn đầy khí thế và niềm tin yêu cách mạng để phục vụ kháng chiến, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Có người đã nằm xuống trước ngày thắng lợi. Có người vẫn trụ lại với mảnh đất thân yêu này. Hàng loạt các văn nghệ sĩ làm việc và sinh sống tại đây đã được ghi nhận, trao tặng, truy tặng giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

Tính từ các văn nghệ sĩ đặt chân đến Đồi Cháy tới nay đã hơn 70 năm nhưng tên tuổi họ vẫn sống mãi, sáng mãi không chỉ nơi đây. Và chính họ đã làm ấp Cầu Đen - ấp Đồi Cháy đi vào lịch sử văn hóa, lịch sử kháng chiến nước nhà.