Đằng sau danh hiệu quốc tế của “Hoàng Hoa sứ trình đồ”

Những tấm lòng như bảo vật!

Sau khi Mộc bản trường học Phúc Giang được công nhận là di sản ký ức thế giới, con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại tiếp tục góp sức vào việc đưa một di sản khác mà dòng họ lưu giữ vươn ra thế giới. Sự kiện UNESCO vừa công nhận cuốn sách cổ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.

GS, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ luôn đau đáu ước vọng đưa di sản dòng học vươn ra thế giới.
GS, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ luôn đau đáu ước vọng đưa di sản dòng học vươn ra thế giới.

Báu vật của dòng họ

Làng Trường Lưu (xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là vùng đất đặc biệt, nơi sản sinh ra những bậc trí thức, nho gia nổi tiếng. Dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu là dòng họ nổi tiếng về truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đạt làm quan. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) thuộc thế hệ thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy. Ông làm quan dưới triều Lê - Trịnh và trải qua nhiều chức vụ quan trọng, có nhiều đóng góp cho ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ 18. Năm 1764, Nguyễn Huy Oánh được chọn làm Chánh sứ cho chuyến đi Yên Kinh (tức Bắc Kinh) vào năm 1766-1767. Nguyễn Huy Oánh đã có nhiều trước tác liên quan đến hành trình đi sứ, trong đó “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu đầy ắp thông tin về chuyến đi sứ Trung Hoa của các sứ thần Việt Nam năm 1766-1767, vì sách chưa được khắc in nên chưa được nhiều người biết tới.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” hiện được lưu giữ là bản chép tay duy nhất còn tồn tại của tác phẩm này, được con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu. Sách này bao gồm các bản đồ được vẽ với ba loại mầu trên giấy dó cùng các lời chua bằng chữ Hán. Trong đó thể hiện các bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Cuốn sách có kích thước 30 cm x 20 cm, dày 2 cm được in trên bản mộc giấy dó, sách bao gồm bảy phần, trong đó phần chính là bản đồ hành trình gồm 204 trang ghi chép cụ thể và miêu tả về thiên nhiên, con người, thành, làng, các di tích, danh thắng, các hoạt động giao tiếp của sứ bộ với dân và chính quyền.

Hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được bảo vệ thành công tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 8, Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO từ ngày 29 đến 31-5 vừa qua, được các nước đánh giá cao là một hồ sơ quý hiếm, xác thực, rõ ràng và độc đáo. Một phần quan trọng nhờ công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của tỉnh Hà Tĩnh, sự hỗ trợ của của Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với UNESCO các nước trong Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để di sản được lan tỏa

GS, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, dù là một nhà khoa học tự nhiên, nhưng rất tâm huyết với văn hóa và di sản tinh thần của dòng họ. Năm 1984, ông chính thức bắt đầu công việc kiếm tìm và lưu giữ những di sản của dòng họ rồi tìm cách phát huy giá trị các di sản đó. Với tâm huyết của mình, GS, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ cũng đã nhiều lần được con cháu dòng họ tặng lại các tư liệu quý, trong đó có cuốn sách “Hoàng Hoa sứ trình đồ”. Năm 1989, một tiền bối dòng họ là ông Nguyễn Huy Bút (đã mất năm 2012) trao cho GS cuốn sách có tên là “Hoàng Hoa sứ trình đồ”. Đây là bản do ông Nguyễn Huy Triện, hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ chép lại bằng chữ Hán trên chất liệu giấy dó.

Lúc ấy, dù không hề biết chữ Hán nhưng nhìn bản đồ trong cuốn sách, ông Mỹ đã linh cảm về những giá trị đặc biệt của nó. Kể từ năm 1993, ông bắt đầu giới thiệu cuốn sách tại nhiều hội nghị, hội thảo chuyên môn và được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Từ đó, GS Mỹ bắt đầu nghĩ đến việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới nhằm tìm kiếm các cơ hội bảo tồn, quảng bá giá trị di sản mà ông cha để lại. Trong hàng chục năm qua, ông đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm tư liệu, hiện vật, xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị.

Năm 2016, sau khi góp sức vào việc bảo vệ thành công “Mộc bản trường học Phúc Giang” - một di sản của dòng họ Nguyễn Huy, ghi danh vào danh mục di sản tư liệu ký ức thế giới, GS Nguyễn Huy Mỹ lại tiếp tục phối hợp gây dựng hành trình đưa di sản “Hoàng Hoa sứ trình đồ” đến với công chúng trong nước và thế giới. Hành trình đưa “Hoàng Hoa sứ trình đồ” trở thành di sản ở tầm vóc quốc tế vô cùng khó khăn nhưng nhờ những nỗ lực từ tỉnh Hà Tĩnh, ngành văn hóa, ngoại giao, và đặc biệt là con cháu dòng họ, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được bảo tồn và đến gần hơn với đời sống cộng đồng.

Sau khi “Mộc bản trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được vinh danh, con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đang nỗ lực bằng nhiều hình thức tuyên truyền tới đông đảo nhân dân về những giá trị bất biến mà Nguyễn Huy Oánh cùng dòng họ Nguyễn Huy để lại cho hậu thế. GS, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi sẽ in thêm nhiều sách về “Hoàng Hoa sứ trình đồ” và tổ chức giới thiệu về tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sắp tới, con cháu dòng họ Nguyễn Huy mong muốn sẽ phối hợp chính quyền địa phương xây dựng một nhà bảo tàng trên chính quê hương để bảo tồn, giới thiệu các tư liệu quý của dòng họ đến với đông đảo nhân dân”.

Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: Sau khi “Mộc bản trường học Phúc Giang” và sách cổ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, huyện Can Lộc đã khai thác hệ thống di sản văn hóa xã Trường Lộc vào phục vụ du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa đặc sắc của người Can Lộc đến với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh Hà Tĩnh cũng như huyện Can Lộc đang xây dựng Trường Lưu (xã Trường Lộc ngày nay) trở thành Làng văn hóa du lịch trọng điểm. Từ năm 2016 đến nay, xã Trường Lộc đã đón tiếp nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế, du khách về làng Trường Lưu để tìm hiểu “Mộc bản trường học Phúc Giang” và hát ví Phường Vải Trường Lưu. Sự kiện “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được vinh danh vừa qua sẽ giúp cho việc nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa di sản trong các dòng họ có thêm những bước tiến mới.

Huyện Can Lộc sẽ trích 200 triệu đồng để bảo tồn khẩn cấp hai di sản “Mộc bản trường học Phúc Giang” và cuốn sách cổ “Hoàng Hoa sứ trình đồ”. Huyện cũng đang nỗ lực kêu gọi người dân bổ sung thêm các hiện vật, di sản vào kho tàng di sản của quê hương. Trong lộ trình sáp nhập các xã, huyện Can Lộc dự kiến sáp nhập hai xã Trường Lộc và Song Lộc, theo đó toàn bộ khu vực của UBND xã Trường Lộc sẽ trở thành nơi bảo tồn các giá trị văn hóa Trường Lưu.