Những người Mẹ của Đại tá Trần Hồng

90 bức ảnh chân dung ấn tượng về những người mẹ của Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Hồng đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), đem lại nhiều xúc động cho người xem.

Bức ảnh nổi tiếng về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ của NSNA Trần Hồng.
Bức ảnh nổi tiếng về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ của NSNA Trần Hồng.

1. Từng là một người lính bước ra từ chiến trường, NSNA Trần Hồng hiểu được sự hy sinh, nỗi đau mất mát và nghị lực của các bà mẹ Việt Nam. Theo đuổi những bức hình về “mẹ” từ khi biết cầm máy ảnh, ông đã có cho mình một “gia tài” các chân dung của những người mẹ Việt Nam. 

Triển lãm lần thứ tư về “Mẹ” của ông có ba nội dung chính: “Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ”, “Mẹ - khoảnh khắc đời thường” và “Tự hào những người Mẹ Việt Nam”. Những bức ảnh gắn với nhiều miền ký ức, cảm xúc của tác giả về những người mẹ Việt Nam, trong đó có các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ với nỗ lực vươn lên để thành công, hay đơn giản là sự bình dị với thiên chức cao quý của một người vợ, người mẹ. 

Đại tá Trần Hồng chia sẻ: Ai cũng có một bà mẹ, trong tình cảnh càng nghèo khổ bao nhiêu thì mối quan hệ ràng buộc mẹ con càng bộc lộ rõ. Như mẹ tôi ở vùng quê Hà Tĩnh, nhớ nhất hồi năm 1972 khi về thăm mẹ, mặc dù lúc đó tôi đã trưởng thành và sắp là sĩ quan quân đội nhưng vẫn được mẹ gội đầu cho. Trong ánh chiều, đôi mắt mẹ lóe lên một ánh hào quang rất lạ, đó chính là niềm vui tột cùng của bà mẹ khi được chăm sóc con mình. Tôi chạnh nghĩ, tuy niềm vui nhỏ như thế nhưng đã có hàng vạn thậm chí hàng triệu bà mẹ trên khắp đất nước không được hưởng. Với 30 năm chiến tranh, thế giới này chắc không có bà mẹ nơi nào chịu đựng mất mát, đau khổ như các bà mẹ Việt Nam. Đó chính là nguyên nhân khiến tôi say mê đến thế, theo đuổi từ khi ra trường năm 1973 cho đến nay và càng chụp càng cảm thấy hứng thú. Tôi đã đi khắp nơi, từ vùng này đến vùng khác, chụp bà mẹ này đến bà mẹ khác. Tựu trung lại các mẹ ở các vùng miền dù phong cách tập quán rất khác nhau, nhưng có cái chung là thương con vô tận. Có thể hy sinh thân mình để bảo vệ con. Và sức chịu đựng vô biên, không bao giờ kể công gì, coi đó là phận sự của mình đối với con cái, nói rộng hơn nữa là với Tổ quốc. 

2. Ở triển lãm, ta gặp những đôi mắt, làn da hằn sâu nỗi đau của các bà mẹ trong ống kính của NSNA Trần Hồng, khóe môi có lúc lóe lên nụ cười trong phút chốc rồi tắt ngấm, bởi đằng sau đó là bao nỗi hy sinh. Ông kể lần về chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam: Bất kỳ ai đến nhà mẹ Thứ đều có xúc cảm mạnh, nhất là những người từng ở trong quân ngũ như tôi. Với mẹ Thứ, tôi có sự giao cảm rất rõ rệt cứ như mẹ và mình là ruột thịt vậy. Đó là vào năm 2001, tôi đến vào buổi trưa, đúng lúc mẹ đang bày mâm mời các con về dùng bữa. Một mình mẹ ngồi đó, lặng lẽ bên mâm cơm có chín bát và ở giữa là bát hương thờ chín người con trai. Bức ảnh này tôi chụp với hỗ trợ ánh sáng từ đèn flash (thường thì chụp đèn ít mang hiệu quả chiều sâu bức ảnh) nhưng lại rất ấn tượng bởi bóng mẹ hắt ra phía sau nơi có di ảnh của các con mình. Đây là hình ảnh tiêu biểu cho một giai đoạn hy sinh mất mát lớn của dân tộc để đổi lấy hòa bình. 

3. Ngoài đa phần các chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, triển lãm còn giới thiệu một số tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực. Đó là những phụ nữ mà đại tá Trần Hồng may mắn được tiếp xúc, cảm được ở họ những phẩm chất tốt đẹp và bộc lộ trên khuôn mặt. Như bức “Gia đình Giáo sư” của tác giả chụp gia đình GS Đặng Thai Mai. Ông chia sẻ: Từ lâu tôi vẫn ao ước chụp bức ảnh đầy đủ năm chị em gái đều là GS, TS của gia đình GS Đặng Thai Mai, nhưng rồi chỉ chụp được tấm ảnh có ba người. Gồm PGS, TS văn học Đặng Thị Hạnh (vợ Trung tướng Hồng Cư); PGS, TS văn học Đặng Anh Đào (vợ Trung tướng Hồng Sơn); PGS, TS sinh học Đặng Xuyến Như (còn hai người không chụp được là GS, TS sử học Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tuổi cao sức yếu và GS, TS văn học Đặng Thanh Lê (vừa mới qua đời). Khi còn trẻ, các bà vừa công tác, vừa nuôi con để chồng yên tâm phục vụ trong quân ngũ. Hay chân dung của bà Huỳnh Tiểu Hương, vốn là trẻ lang thang ở Dĩ An (Bình Dương), bằng nghị lực phi thường, Tiểu Hương đã vượt lên tất cả và trở thành điểm tựa, thành mẹ của hơn 300 trẻ em bị bỏ rơi ở nhiều độ tuổi từ sơ sinh cho đến sáu tuổi.

Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, hay các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với một tình yêu từ trái tim của người lính. Chắc hẳn mỗi chúng ta khi ngắm nhìn những bức ảnh trong triển lãm đâu đó sẽ thấy bóng dáng của chính những người mẹ, người bà của mình. Thông qua triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tác giả Trần Hồng mong muốn dành sự tri ân đến các thế hệ phụ nữ Việt Nam - những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu.

Đại tá, nhà báo, NSNA Trần Hồng sinh năm 1949 ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1968, ông nhập ngũ trở thành lính thông tin thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Nhiếp ảnh của Trường đại học Báo chí, ông về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Ngay tại buổi triển lãm, ông đã không kìm được nước mắt khi nhắc đến những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vừa qua: “13 chiến sĩ của tôi, của ta và của dân tộc này đã hy sinh vì bão lũ, tôi muốn được chia buồn, san sẻ nỗi đau với các bà mẹ, các chị bây giờ đang khóc ở các miền quê”.