Những nẻo đường sống và viết

Nhà văn Triệu Xuân (trong ảnh), tác giả những cuốn tiểu thuyết đình đám một thời như “Giấy trắng”, “Đâu là lời phán xét cuối cùng”, “Nổi chìm trong dòng xoáy”, “Trả giá”…, người từng là phóng viên chiến trường của Đài Phát thanh Giải phóng tại khu 5, nay dù mang trong người bạo bệnh nhưng ông vẫn luôn yêu đời và say mê những dự án vì cộng đồng.

Những nẻo đường sống và viết

1. Kể từ tháng 2-2019, khi bắt đầu nhập viện để điều trị ung thư, đến nay, thời gian điều trị bệnh đã trôi đi hơn một năm, và công việc mà nhà văn Triệu Xuân làm được là gom góp tư liệu, biên tập và cho ra mắt cuốn sách “Sống & Viết”, tập phê bình - tiểu luận - chân dung của nhà văn ra mắt bạn đọc đầu năm 2020. Tập sách có dung lượng khá đồ sộ với 612 trang, nội dung phong phú. Thông qua hơn bảy chục đề mục văn chương, văn hóa, nhiều nhất là những bài phê bình, tiểu luận, lời tựa cho các tác phẩm, các bộ tuyển tập, toàn tập của các nhà văn, “Sống & Viết” phản ánh sinh động cuộc đời và sự nghiệp văn học đầy phong phú, năng động của một nhà văn, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về văn học Việt Nam đương đại.

“Sống & Viết” có nhiều bài khắc họa chân dung của các nhà hoạt động xã hội và văn nghệ sĩ. Đó là những chính trị gia, nhà báo, nhà văn dịch giả mà ông quen biết như Trần Văn Giàu, Phan Quang, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Hữu Dũng, Lương Văn Hồng… Nhưng nhiều nhất là các nhà văn: Thu Bồn, Nguyễn Khải, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Trần Hoài Dương, Nghiêm Văn Đa, Xích Điểu, Nguyễn Lâm, Nguyễn An Định… Triệu Xuân còn dành nhiều trang viết trân trọng những nhà văn “cả đời lặng lẽ sống và viết” như Hoài Anh.

2. Nhà văn Triệu Xuân quê ở Ninh Giang, Hải Dương. Thời học phổ thông, Triệu Xuân là học sinh giỏi văn, từng được nhận khen thưởng của Bác Hồ. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tình nguyện vào Khu 5 Trung Trung Bộ làm phóng viên chiến trường. Sau 1975, ông sống ở TP Hồ Chí Minh và công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đầu tư, rồi Nhà xuất bản Văn học. Sống ở ba miền Tổ quốc, tiếp xúc nhiều người, xông xáo trong nhiều lĩnh vực…, nhờ có vốn sống phong phú đó, ông đã sáng tác hàng chục tiểu thuyết và truyện, ký có giá trị. Phần lớn những tiểu thuyết của ông như “Giấy trắng”, “Bụi đời”, “Nổi chìm trong dòng xoáy”, “Đâu là lời phán xét cuối cùng”, “Sóng lừng”, “Trả giá”, “Cõi mê”… được tái bản nhiều lần…

Những nẻo đường sống và viết ảnh 1

Dũng cảm phanh phui những mảng tối trong đời sống xã hội, ông luôn đứng về phía những người nghèo khó có số phận thiệt thòi. Ngoài tiểu thuyết, ông viết truyện ngắn, ký. Tập ký “Lấp lánh tình đời” do nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2007 cho thấy nhà văn rất sắc sảo trong các thể loại. Trong “Sống & Viết” vừa xuất bản năm 2020 có một chùm ký: “Iran huyền bí và thân thiện”, “Ba lần về Thái Mỹ”, “Yêu rừng như yêu đời, về miền an lành”…, cho thấy nội lực của nhà văn rất sung sức trên những nẻo đường sống và viết.

Từ khi còn làm việc ở cơ quan cho đến khi nghỉ hưu, nhà văn Triệu Xuân vẫn không ngừng viết. Không xa rời các hoạt động văn hóa nghệ thuật nên các bài viết của ông cũng mang đầy tính thời sự, thể hiện sự tâm huyết với con đường văn chương, báo chí.

Giờ đây, trong cơn bạo bệnh, nhà văn vẫn tiếp tục hoàn thiện bản thảo cuốn sách “Triệu Xuân nghĩa tình bạn hữu”. Tập sách sẽ không chỉ có những bài viết của các nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp mà còn nhiều bài của các nhà báo đồng nghiệp với tác giả, và cả bài của bạn đọc yêu quý văn chương tác giả. Ông cho biết, vẫn cố gắng hết sức để điều trị bệnh tật, chỉ mong sao mau chóng khỏi bệnh để tiếp tục sự nghiệp văn chương còn đang dang dở. “Tôi đang kiên gan, lạc quan chiến đấu cùng bệnh tật. Cuộc sống rất nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt nhưng tôi yêu vô cùng. Cuộc đời này đẹp vô cùng...”, nhà văn Triệu Xuân bộc bạch.