Nhiếp ảnh đưa văn hóa hội nhập

Sáng 25-11, đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Đức, tạp chí Ngày Nay trao giải và khai mạc triển lãm Cuộc thi ảnh Việt Nam 2020 “Lan tỏa sự quan tâm, chia sẻ tầm nhìn về đa dạng văn hóa”.

Khách tham quan triển lãm trong ngày khai mạc.
Khách tham quan triển lãm trong ngày khai mạc.

1. Với các tác phẩm ảnh về Phong cảnh của di sản và di tích; Chuyển giao và kế thừa văn hóa qua các thế hệ; Nghệ thuật và Sáng tạo; Sự hòa hợp của con người và thiên nhiên.., cuộc thi nhằm mục đích đưa vẻ đẹp của di sản văn hóa và sáng tạo văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. 

Trong hơn ba tháng, ban tổ chức đã nhận được hơn 2.000 bức ảnh của 256 tác giả đến từ sáu quốc gia khác nhau gửi đến tham dự. Hầu hết các bức ảnh tham gia cuộc thi có chất lượng cao và đa dạng về nội dung. Ban tổ chức đã lựa chọn 28 tác phẩm để trao giải và triển lãm, trong đó có ba tác phẩm đạt đồng giải nhất là: “Bạn nghề” của tác giả Đinh Công Tâm; “Bức họa ven biển” của Ngô Thị Thu Ba và “Du lịch sinh thái rừng dừa ngập mặn Bảy Mẫu” của tác giả Phan Vũ Trọng.

Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam - ông Guido Hildner chia sẻ: Cuộc thi thể hiện nghệ thuật và sự sáng tạo văn hóa cũng như sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Khi cuộc thi được phát động, chúng tôi hy vọng càng nhiều người ở khắp các vùng miền và nhiều lứa tuổi cùng tham gia để tạo nên một kính vạn hoa về vẻ đẹp cũng như sự sáng tạo về văn hóa của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng những kỳ vọng của tôi đã vượt quá mong đợi. Mỗi tác giả đều có hiểu biết sâu về đối tượng mình đang chụp. Mong rằng những cuộc thi như thế này sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, vùng miền và điều đó sẽ giúp thúc đẩy và tăng cường nhận thức về bảo tồn và đa dạng văn hóa.

Nhiếp ảnh đưa văn hóa hội nhập -0
Tác phẩm “Bạn nghề” của tác giả Đinh Công Tâm. 

2. Các tác phẩm tại triển lãm đã giúp người xem cảm nhận sâu hơn về bản sắc văn hóa các dân tộc ở khắp các vùng miền. Từ những thành công dựa vào văn hóa truyền thống của diễn viên Sùng Thu Thủy qua tác phẩm “Phía sau ánh hào quang của cô gái Nùng” - tác giả Lê Hồng Đức. Hay tác phẩm đoạt đồng giải nhất “Bạn nghề” của tác giả Đinh Công Tâm (Sóc Trăng) được trích trong chùm ảnh “Mặt tướng trong hát bội Nam Bộ” chụp hai nghệ sĩ giúp nhau trang điểm, tô vẽ trên khuôn mặt để tạo hình nhân vật chuẩn bị cho buổi diễn. Tâm vốn là một bác sĩ, yêu thích nhiếp ảnh và thường dùng thời gian rảnh để theo đuổi đề tài di sản và văn hóa dân tộc. Chùm ảnh “Mặt tướng trong hát bội Nam Bộ” được anh thực hiện từ năm 2015 đến nay. Anh chia sẻ: “Tôi đã theo đuổi chụp ảnh hậu trường các buổi biểu diễn nghệ thuật từ năm 2015. Bức ảnh đạt giải được tôi chụp phía sau sân khấu của một đêm diễn hát bội tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Có lẽ, với tôi điều độc đáo và ấn tượng nhất là ngắm nhìn các nghệ nhân, nghệ sĩ hóa trang trong các vai tướng, vai vua ở các vở hát bội tại Nam Bộ”. 

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban văn hóa UNESCO tại Hà Nội cho biết, chiến lược và chương trình văn hóa của UNESCO tại Việt Nam đã chuyển mục tiêu ưu tiên từ những hỗ trợ tu bổ, trùng tu di sản sang thúc đẩy sự đa dạng và các hoạt động sáng tạo về văn hóa. Góp phần giúp cho cộng đồng cùng nhìn nhận được tài nguyên to lớn từ đa dạng văn hóa. Đây chính là nguồn lực cho sự phát triển bền vững và khi chúng ta chia sẻ tầm nhìn từ các góc độ khác nhau và nhận diện được giá trị của đa dạng văn hóa thì đó chính là cách chúng ta làm giàu thêm nguồn vốn văn hóa của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tập hợp và xây dựng nguồn dữ liệu ảnh phong phú nhằm chia sẻ vẻ đẹp và những giá trị của đa dạng văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, trước hết là thông qua các nền tảng của UNESCO.

Triển lãm ảnh “Lan tỏa sự quan tâm, chia sẻ tầm nhìn về đa dạng văn hóa” do UNESCO, Đại sứ quán Đức và tạp chí Ngày Nay phối hợp tổ chức, khai mạc ngày 25-11 và kéo dài đến 2-12 tại Không gian TOONG, tầng 9, số 5 Điện Biên Phủ (Hà Nội).