Nhạc và mỹ thuật toàn quốc sánh đôi

Những tuần giữa thu là khởi điểm hàng loạt chuyến ra mắt của nghệ thuật âm nhạc, tạo hình - mỹ thuật ứng dụng sánh đôi… ra mắt toàn quốc. Có ba sự kiện đáng chú ý. Đầu tiên là Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ IV tại Bảo tàng Hà Nội từ ngày 4 đến 30-10.

Triển lãm lớn này do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức. Triển lãm này ra đời năm 2000, tổng kết định kỳ 5 năm một lần, thu hút các công ty, hội đoàn, nghệ sĩ, nghệ nhân cả nước tham gia.

Trong triển lãm lần này, Ban tổ chức đã tuyển chọn 280 tác phẩm, bộ tác phẩm mỹ nghệ, thời trang… của 189 tác giả để trưng bày. Trong đó, có ba bộ giải với 25 giải thưởng được trao cho các tác phẩm có chất lượng xuất sắc, được chia ra các lĩnh vực Thiết kế sáng tạo; Sản phẩm ứng dụng; Sản phẩm trang trí. Điều đáng chú ý hơn nữa là nhiều tác phẩm, bộ tác phẩm của ngành ứng dụng mỹ nghệ, kết quả làm ra bàn tay khéo léo, trước khi tham gia triển lãm toàn quốc, giật giải thưởng, huy chương… thì đã tự du hành và được xuất khẩu khắp nơi trên thế giới…

Triển lãm mỹ thuật thứ hai sẽ khai mạc đúng vào chiều 8-10, là triển lãm của dự án “Ngôi sao miền núi”, diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Đây là dự án mang trò chơi hội họa đến cho trẻ em ở khắp những vùng đảo xa, miền núi khó khăn vào dịp nghỉ hè, do các nghệ sĩ trẻ tự do và Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội thực hiện, ra đời từ năm 2014. Sau sáu năm triển khai, dự án đã đem hội họa, niềm vui vẽ và chơi đến hơn 1.000 em nhỏ tiểu học tại các vùng miền khó khăn khắp miền bắc, miền nam và Tây Nguyên. Triển lãm lần này được đặt tên là “Sáu Độ” với các tác phẩm của các họa sĩ trẻ và họa sĩ “nhí” ở hai địa điểm là xã đảo Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang)…

Tại Học viện Âm nhạc quốc gia (số 77 Hào Nam, Hà Nội), vào ngày thứ sáu, 11-10 sẽ diễn ra chương trình âm nhạc mang tên “Âm thanh Hà Nội” do Nhóm nhạc đương đại Hà Nội “bắt tay” với các nghệ sĩ quốc tế như nhạc trưởng Honna Tetsuji (vị nhạc trưởng đã nhiều năm nay ở lại Việt Nam làm việc); hai nhạc công khách mời nổi tiếng đến từ Đức là nghệ sĩ Nina Janßen Deinzer (kèn clarinet) và Lucas Fells (đàn cello). Chương trình có nhiều tác phẩm trong nước và nước ngoài. Một trong những tác phẩm đáng chú ý là “Ngũ hành” của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân vừa sáng tác năm 2019. Tác phẩm này lấy cảm hứng về năm yếu tố tạo nên thế giới, với thông điệp hiện sinh của tác giả là hướng đến việc bảo vệ môi trường của chúng ta.