“Nhà rông hạnh phúc” tại Nam Trà My

Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững (Quỹ Sống) thực hiện dự án “Làng Hạnh Phúc” tại làng Lâng Loan, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa phục dựng thành công nhà rông truyền thống của dân tộc người Xơ Đăng. Được dựng lên bằng phương pháp chung tay, ngôi nhà càng có ý nghĩa về văn hóa, tâm linh và sự gắn kết trong cộng đồng. 

KTS Đinh Bá Vinh và mô hình nhà Quật.
KTS Đinh Bá Vinh và mô hình nhà Quật.

Nghĩ về “trái tim” của làng

Nhà rông hay còn được gọi là nhà Quật (theo tiếng gọi của người Xơ Đăng, Nam Trà My) là kiểu nhà sàn, nhà cộng đồng, là nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận của dân làng. Đây cũng là nơi người Xơ Đăng sáng tạo văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là thể hiện không gian thiêng, sức mạnh, niềm kiêu hãnh của cộng đồng và là linh hồn của làng.

Anh Hồ Văn Cư ở làng Lâng Loan nói: Nhà rông truyền thống là nhà chung của làng, nhưng cũng là của từng người, thanh niên chưa vợ và đàn ông vợ chết có thể lên ngủ hằng đêm. Nơi này người dân làng tụ tập sinh hoạt, như là “trái tim” của làng, đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của đời sống, như có chỗ ngủ, có bếp lửa, có nơi dành cho khách. Khách đến làng thì mời lên nhà rông, ở đấy như ở nhà mình…

Tuy nhiên, hiện nay nhà rông truyền thống của người Xơ Đăng đang dần mai một, thay vào đó là những ngôi nhà rông được làm bằng bê-tông, sắt thép, tôn hóa. Loại hình kiến trúc này gần như vắng bóng trong đời sống của các làng Xơ Đăng ở Nam Trà My. Tại làng Lâng Loan, một ngôi làng mới được tái định cư sang vùng đất mới có 72 hộ dân người Xơ Đăng. Trước đây, ở làng cũ bà con không có nhà cộng đồng chung cho cả làng bởi do đứt gãy văn hóa.

Phương pháp chung tay 

Vào những tháng cuối năm 2020, đội ngũ dự án phối hợp cùng người dân và chính quyền địa phương thực hiện phục dựng lại ngôi nhà rông theo đúng ngôi nhà truyền thống của người Xơ Đăng từ kiến trúc, vật liệu xây dựng, không gian cảnh quan… Đó là một quá trình làm việc lâu dài của chương trình Nhà chống lũ thuộc Quỹ Sống với dự án “Làng Hạnh Phúc” tại làng Lâng Loan. Dự án hỗ trợ 90 triệu đồng, thiết kế, hướng dẫn, giám sát công trình... Chính quyền địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng cùng sự quyết tâm và cùng tham gia của bà con.

Bản thiết kế được KTS Đinh Bá Vinh vẽ lên theo mô tả của những người già. Họ còn nhớ trong ký ức về hình dáng của ngôi nhà xưa kia, có mái cao hình tam giác nhọn, mái được dùng bằng lá tranh, vách, sàn nhà làm bằng lồ ô… Anh Vinh chia sẻ: “Để thuyết phục được bà con thì mình phải cùng làm, cùng sống và hiểu được tâm tư của họ, rồi người dân tin tưởng dự án thì dự án mới thành công”.

Thế rồi, một ngôi nhà được dựng lên chủ yếu bằng vật liệu sẵn có trong tự nhiên, với cấu trúc to hơn những ngôi nhà bình thường, có kiến trúc cao, hình dáng uy vũ. Mái nhọn xuống dốc hình lưỡi rìu vươn lên bầu trời với một dáng vẻ mạnh mẽ, được xây cất trên khoảng đất rộng, nằm ngay chính trung tâm của làng. Trai tráng khỏe mạnh thì đi kéo gỗ, làm những công việc nặng. Phụ nữ đi cắt lá tranh, lấy lồ ô, dọn dẹp khu đất… Mặc cho trời mưa gió, sau hơn một tháng làm việc, những chiếc cột gỗ định hình khung của ngôi nhà được dựng lên. Bằng những bàn tay khéo léo của người dân, từng lớp lá tranh được xếp chồng vào nhau tạo thành mái, từng lớp lồ ô được chặt mang về nhà phơi khô vàng óng, được đan xếp vào nhau tạo thành vách và sàn nhà. Trên nóc nhà rông được trang trí thật đẹp với hoa văn, họa tiết mô phỏng hình mặt trời, rau dớn... mang đặc điểm văn hóa của nơi đây.

Ngày khánh thành ngôi nhà “Quật”, cả làng làm lễ cúng, ai ở xa cũng về tụ họp để ăn mừng và cùng nhau nhảy múa vui vẻ trong ngôi nhà chung. Ai cũng tự hào về thành quả có ý nghĩa tâm linh đang hiện diện. Bên ché rượu quý, dưới ánh đèn lờ mờ trên núi cao, anh Cư thay mặt cả làng cảm ơn dự án và chính quyền, anh nói: “Dựng xong Quật, bà con thấy ưng cái bụng lắm!”.

Ngôi nhà mang hơi thở của hiện đại, không chỉ trở thành một ngôi nhà cúng mang tính chất tâm linh, trung tâm chỉ đạo lao động, sản xuất, hội hè và các vấn đề quan trọng khác của làng. Mà còn được sử dụng làm nơi để chính quyền địa phương phổ biến, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách đến từng hộ gia đình và cá nhân trong làng. Ông Lê Mai, Trưởng phòng Văn hóa thông tin và Du lịch huyện Nam Trà My nói: Đặc biệt, nhà sinh hoạt cộng đồng đúng bản sắc văn hóa của người Xơ Đăng. Với những người làm văn hóa như tôi thì đây là một điểm nhấn và mô hình này sẽ được nhân rộng. Huyện đang phối hợp tích cực với Quỹ Sống để nơi đây trở thành làng văn hóa du lịch.

“Nhà rông hạnh phúc” tại Nam Trà My -0
Nhà Quật sau khi hoàn thành. 

“Làng Hạnh Phúc” là dự án hỗ trợ các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu: Hình thành những ngôi làng an toàn, cải thiện môi trường sống và thúc đẩy gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa. Các hoạt động chính: Thông qua công tác nghiên cứu và tham vấn cộng đồng cùng phương pháp thực hiện “Chung tay”, chương trình “Nhà chống lũ” hỗ trợ kỹ thuật và một phần tài chính, phối hợp cùng cộng đồng hưởng lợi; Tận dụng nguồn lực và kế hoạch của chính quyền địa phương để thực hiện các hoạt động: Quy hoạch, Hạ tầng & Nhà ở an toàn; Cải thiện vệ sinh và môi trường sống; Thúc đẩy gìn giữ các giá trị văn hoá bản địa.