Nhà giáo viết văn

Hiện nay có nhiều nhà giáo viết văn, đặc biệt là các thầy, cô giáo trẻ, góp phần làm sinh động văn đàn trẻ. Nhiều người không chỉ là những giáo viên dạy giỏi, mà còn có thành quả đáng chú ý trong sáng tác văn chương.

Hải Dương là tỉnh có nhiều nữ tác giả vừa viết văn, vừa dạy học.
Hải Dương là tỉnh có nhiều nữ tác giả vừa viết văn, vừa dạy học.

Nhiều lợi thế

Không phải đến bây giờ mà rất lâu rồi, nền văn học nước nhà đã ghi đậm dấu ấn của những cây bút vừa là nhà giáo, vừa là nhà văn. Từ những ông đồ nho văn hay chữ tốt thuở xa xưa đến các nhà văn tên tuổi sau này như Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên… đều gắn bó với nghề dạy học. Sự xuất hiện của lứa thầy, cô giáo trẻ viết văn hiện nay với nhiều gương mặt sáng giá có thể coi là niềm hy vọng tiếp nối mạch nguồn đó. Có thể kể đến những tác giả đang có sáng tác gây được chú ý trên văn đàn cả nước, như Nguyệt Chu, Nguyễn Thị Kim Hòa, Mai Thị Hồng Quế, Nguyễn Thu Hằng, Trần Thúy Lành, Vũ Thị Thanh Hòa, Nguyễn Hải Yến, Lưu Thị Mười, Lưu Tử Anh, Trần Tú Ngọc, Bảo Thương… Điều đáng nói, họ là những nữ tác giả sung sức.

Nghề giáo với đặc trưng của nó là khám phá chiều sâu trong tâm hồn và trí tuệ của con người, thường xuyên gắn bó với sách vở cùng với bầu không khí tĩnh tại bao quanh, tạo nên môi trường thuận lợi cho sự viết. Tác giả Mai Thị Hồng Quế, làm việc tại Ninh Bình, chia sẻ: “Có thể nói là chúng tôi có khá nhiều lợi thế, từ việc bản thân có một chút năng khiếu đến việc tiếp thu các tác phẩm văn học một cách có định hướng và sự am hiểu ở mức độ nào đó những vấn đề lý luận cơ bản”. Còn tác giả Nguyễn Thu Hằng, dạy học ở Hải Dương, cho hay: “Việc dạy học giúp tôi được tiếp xúc với các em học sinh, gợi nhiều cảm xúc trong sáng, yêu đời gây cảm hứng cho sáng tác. Ngay việc dạy các em làm văn, đọc những bài văn non tơ, hồn nhiên của các em cũng đem lại nhiều hứng thú với người viết. Lợi thế và khó khăn luôn song hành, chúng ta không ngừng giữ ngọn lửa đam mê cho nó cháy mãi thì ngọn lửa ấy sẽ giúp ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại”.

Việc dạy chữ, trồng người, và trồng văn có gì gắn bó mật thiết và hỗ trợ cho nhau? Tác giả Trần Thị Tú Ngọc (Hà Tĩnh), cho hay: Nghề giáo và nghề văn đều làm công việc truyền cảm hứng, qua từng bài giảng hay qua từng trang viết, chúng tôi mong muốn thắp lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống và những giá trị mang ý nghĩa nhân văn trong trái tim mỗi người. Trên bục giảng chúng tôi đồng hành với học sinh qua từng trang sách để cùng các em tìm đường đến với bến bờ tri thức còn trên trang viết chúng tôi đồng hành với hạnh phúc và khổ đau của con người. Đó đều là những công việc đòi hỏi niềm đam mê thật sự.

Đồng quan điểm ấy, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), hiện đang dạy học ở Ninh Thuận, cho rằng, không chỉ riêng chị, bản thân các nhà giáo, nhà văn, những người đang trồng người và “trồng văn” đều mong mình gieo được thành công những mầm tâm hồn đẹp. Dẫu biết để mầm cây ấy vươn cao, đâm nhánh, nở hoa cũng còn phụ thuộc vào nhiều điều. Nhưng đã là người gieo trồng, Kim Hòa nghĩ, mình không nên đánh mất thứ tiếp lửa cho công việc mình. Đó là hy vọng.

Tuy nhiên, đây là một mối quan hệ có tính hai mặt. Nghề dạy học rèn giũa những phẩm chất rất cần thiết đối với người viết như tính chuẩn mực, nghiêm túc, cẩn thận, chỉn chu. Điều này phản ánh rất rõ trên những trang văn của họ. Tuy nhiên vì đặc điểm mô phạm của nghề nghiệp, các nhà văn là nhà giáo cũng sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi bung tỏa ngòi bút của mình để thể hiện những trang viết gai góc, nóng bỏng, những đề tài có tính thời sự, nhạy cảm. Bởi dù sao môi trường công tác của họ cũng đòi hỏi những khuôn thước nhất định rất khó để vượt qua.

Sự sung sức của các cây bút

Nhiều tác giả viết văn là giáo viên năm nay đã vinh dự nhận được những giải thưởng của các cuộc thi văn chương, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, có sách được xuất bản và tác phẩm đăng trên báo chí. Với người viết trẻ, mỗi giải thưởng văn chương đều là một động lực rất lớn bởi họ cảm thấy những cố gắng của mình đã được ghi nhận. Tuy nhiên giải thưởng chỉ như một dấu mốc, còn con đường văn chương là cả một hành trình dài. Tác giả Trần Thị Tú Ngọc, trải lòng: “Điều khó nhất là cuối cùng tác phẩm có neo lại được trong lòng người đọc, neo lại với thời gian hay không thì chưa thể khẳng định được. Bởi vậy hãy cứ coi giải thưởng giống như cái duyên mà tác phẩm của mình may mắn gặp đúng lúc. Gần đây nhất tôi vừa nhận được giải C của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện ngắn “Ngụ ngôn tháng Tư” và giải ba cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” 2018 - 2019 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho truyện ngắn “Tiếng rền của đá”. Niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi cảm nhận được chính là sự quan tâm, chia sẻ và động viên của bạn bè đồng nghiệp đối với những dấu ấn nho nhỏ trên chặng đường mình đi qua”.

Người viết văn, dạy học cũng như nghệ nhân cây cảnh, lặng lẽ ươm hạt, trồng cây, chăm bón, cắt tỉa, tạo tác ra một tác phẩm đòi hỏi sự sáng tạo công phu tỉ mỉ trong quãng thời gian không hề ngắn, rồi phải đợi đến khi hoàn thành mới biết được tác phẩm nghệ thuật có giá trị như thế nào.