Người phụ nữ thổi hồn vào chữ Thái

Thạc sĩ Lò Mai Cương nguyên là giảng viên Trường cao đẳng Sơn La. Chị đã dành cả đời mã hóa bộ font chữ Thái trên vi tính, đem lại nhiều hiệu quả tốt đẹp.

Thạc sĩ Lò Mai Cương (mặc trang phục dân tộc Thái) nhận Giải thưởng KOVA.
Thạc sĩ Lò Mai Cương (mặc trang phục dân tộc Thái) nhận Giải thưởng KOVA.

Từ tập ghi chép của cha

Chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La giàu truyền thống cách mạng, trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha của chị là ông Lò Văn Mười, một cai ngục dưới chính quyền thực dân Pháp đã quay trở về với chính nghĩa, đóng góp lớn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Sơn La. Sinh thời, ông là người khởi xướng việc cải tiến chữ Thái. Mẹ chị bà Cầm Thị Minh, một phụ nữ Thái giỏi những điệu “khắp” (hát Thái cổ) và sáng tác những bài hát mới của dân tộc Thái. Các anh chị em của chị Lò Mai Cương đều thành đạt, có trình độ đại học, trên đại học cống hiến sức mình cho quê hương Sơn La.

Năm 1984, chị Lò Mai Cương tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Tây Bắc, năm 1989 - 1991 tiếp tục học đại học sư phạm rồi cao học tại Viện Vật lý (chuyên ngành tự động hóa). Năm 1994, tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ, say sưa giảng dạy tin học cho cán bộ công chức, học sinh trong khu vực thị xã Sơn La (lúc đó dạy tin học là lĩnh vực hoàn toàn mới). Tình cờ một lần chị tìm thấy trên giá sách của cha những cuốn sách ghi lại bằng chữ Thái, gồm thơ, vè, kịch ngắn, nhật ký. Chị mở cuốn “Hướng dẫn tự học chữ Thái” viết tay của cha, dòng chữ cuốn hút, khơi gợi đến lạ kỳ: “Tác dụng của chữ Thái trước kia, hiện nay và tương lai? Tại sao chữ Thái cũ không phổ biến được? Cần tôn trọng tiếng nói và chữ viết dân tộc ít người”. Từ đó chị nảy ra ý nghĩ “Giá như có thể sử dụng vi tính để đánh máy chữ Thái thì tốt biết bao”. Như thế đây sẽ là công cụ ghi lại tất cả các tác phẩm, nhật ký mã hóa trên vi tính.

Năm 1994, chị đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La nghiên cứu đề tài “Thiết kế font chữ Thái trên vi tính” nhưng chưa được chấp thuận. Chị kiên trì một lần nữa đăng ký đề tài. Đề xuất đăng ký lần thứ hai đã thuyết phục được Hội đồng tư vấn của Sở. Tháng 10-2006, đề tài nghiên cứu của chị đã được nghiệm thu và thử nghiệm tại các tỉnh có đồng bào dân tộc Thái sinh sống, như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.

Qua nhiều lần hội thảo quốc tế, năm 2007 bộ font chữ Thái đã được nhóm kỹ thuật Unicode công nhận và cấp 73 mã ký tự vào mã quốc tế. Từ đó đến nay bộ font chữ Thái đã được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia sử dụng để số hóa các sách văn hóa Thái cổ tại thư viện tỉnh, bảo tàng tỉnh, sử dụng sáng tác các tác phẩm, thơ ca, thiết kế trang web chữ Thái Việt Nam, thiết kế bộ gõ, thiết kế phần mềm hướng dẫn tự học chữ Thái… Nhiều cơ quan truyền thông đã sử dụng để biên tập, biên dịch chương trình phát thanh tiếng Thái. Ngành giáo dục tỉnh Sơn La, Điện Biên đã sử dụng để biên soạn tài liệu giảng dạy chữ Thái cho học sinh và cán bộ, công chức đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số.

Lan tỏa trong, ngoài nước

Bộ font chữ Thái của chị như có cánh bay khắp muôn nơi, cộng đồng người dân tộc Thái đang sống ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Pháp, Australia, Lào, Thái-lan cũng đã biết đến và cập nhật nhanh chóng. Viện Khoa học Công nghệ thông tin AIST Tsukuba Nhật Bản đã sử dụng sản phẩm trên để nghiên cứu, phát triển trên phần mềm Fedora (phần mềm mã nguồn mở). Chị Cương đã rất vui vì thành công đó như mở cánh cửa tri thức, đồng thời như thể tri ân đối với người cha thân yêu của mình. Chị nói: “Cha tôi đã giúp tôi động lực, quyết tâm thiết kế được bộ font chữ Thái trên vi tính. Tôi rất vui vì đã thổi được hồn vào những con chữ Thái cổ để bây giờ nó có thể sống mãi với thời gian, đến với mọi người, trong đó có đồng bào dân tộc Thái của tôi…”.

Từ năm 2006 đến nay, chị Lò Mai Cương đã tham gia nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy chữ Thái và đã hoàn thành bộ tài liệu dạy chữ Thái cho cán bộ công chức, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên đang công tác và chuẩn bị công tác tại vùng dân tộc thiểu số; bộ tài liệu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy chữ Thái.

Năm 2018, chị tham gia nghiên cứu thiết kế “phần mềm hướng dẫn tập viết chữ Thái và phần mềm tự học chữ Thái trực tuyến trên internet”. Sản phẩm tham gia dự giải hội thi sáng tạo KHCN năm 2018 cấp tỉnh đạt giải khuyến khích. Phần mềm này đã giúp người học tiếng, chữ Thái tiết kiệm thời gian, có thể tự học mọi lúc, mọi nơi, các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài có thể sử dụng một cách dễ dàng.

Trong thời gian công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, chị Lò Mai Cương với vai trò là trưởng phòng bồi dưỡng và trực tiếp dạy tiếng, chữ dân tộc Thái cho các đối tượng là cán bộ, công chức viên chức, công an, bộ đội, giáo viên các trường học trong toàn tỉnh. Tổng số các lớp chị tham gia dạy là 65 lớp với 3.185 học viên (trong đó có gần 200 học viên hiện nay đã trở thành giáo viên giảng dạy tiếng, chữ Thái tại các huyện, các xã trong tỉnh).

Trong các dịp hè, chị tham gia làm báo cáo viên bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng, chữ Thái bậc tiểu học ở Điện Biên và giáo viên dạy tiếng Thái cho các trường nội trú của bảy tỉnh có người Thái (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức) với hai khóa, tổng số: gần 200 học viên; tham gia dạy tiếng, chữ Thái cho tỉnh Hòa Bình (hai khóa với 160 học viên). Chị còn vận động các trung tâm học tập cộng đồng ở các bản, xã thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức mở lớp dạy tiếng, chữ Thái cho nhân dân các dân tộc như: trung tâm học tập cộng đồng bản Pán, bản Tông Cọ, huyện Thuận Châu, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, một số trung tâm học tập cộng đồng của huyện Mai Sơn…

Tâm niệm quý giá nhất đời

Năm 2017, chị nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình, say sưa tham gia dạy tiếng, chữ Thái cho Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Ba năm qua, chị đã tham gia dạy 35 lớp với 2.476 học viên. Dù sức khỏe của chị không còn được như hồi thanh xuân, phải đảm nhận trọng trách của người phụ nữ trong một gia đình ba thế hệ, nhưng chị vẫn bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý để vừa nghiên cứu khoa học, vừa tham gia giảng dạy. Đồng thời, chị còn tích cực tham gia trên các trang mạng xã hội, đăng tải, hướng dẫn các bài giảng tiếng, chữ Thái cho những người tự học. Bản thân tự tham gia mở được ba lớp học miễn phí cho 47 học viên.

Chị đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen: Giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10 về hệ thống phần mềm và trang web hỗ trợ học chữ Thái Việt Nam; giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ toàn quốc lần thứ 12 về phần mềm bộ Font chữ Thái Sơn La; giải thưởng tài năng sáng tạo nữ năm 2011, 2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; giải thưởng KOVA của Ủy ban Giải thưởng KOVA năm 2013; giải Ba Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ tư năm 2014, nhận cúp Vàng sản phẩm tin cậy ưa dùng về bộ Font chữ Thái Sơn La (tháng 5-2014)...

Chị tâm sự, phần thưởng cũng rất quý, nhưng điều quý giá nhất là chị đã thực hiện được mong ước của cha về bảo tồn, phát huy được chữ Thái cổ, ứng dụng mã hóa đưa chữ Thái vào đời sống thực tiễn. Hiện nay, bộ font chữ Thái đã được các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên đam mê học tập, nghiên cứu. Những người yêu mến tiếng Thái, chữ Thái thấy được cái hay, cái đẹp, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước. Chữ Thái đã giúp cho các thầy, cô giáo, các cán bộ, các chiến sĩ biên phòng, công an, bộ đội đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Ở một góc nhìn khác cũng rất quan trọng là việc áp dụng bộ font chữ Thái đã hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học, làm tốt hơn trong việc dịch thuật, khai phá kho tàng sách chữ Thái cổ rất có giá trị.

Từ đam mê khoa học, nỗ lực không mệt mỏi, sau hơn 30 năm nghiên cứu, thử nghiệm, người phụ nữ dân tộc Thái - Ths Lò Mai Cương đã thổi hồn vào chữ Thái, ứng dụng dễ dàng trong đời sống, góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Với chị, đó dường như là một hạnh phúc không có gì để so sánh.

Hai lần chị được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam...