Ngợi ca những chiến công thầm lặng

Từ ngày 16-7 đến ngày 2-8 tại Hà Nội, các nghệ sĩ sân khấu trên cả nước đã đem tới Liên hoan nghệ thuật toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV những tác phẩm rung động.

Một cảnh trong vở kịch “Vẫn sống” của Đoàn kịch Công an Nhân dân.
Một cảnh trong vở kịch “Vẫn sống” của Đoàn kịch Công an Nhân dân.

Hình tượng người chiến sĩ

33 tác phẩm tham gia đều lấy hình tượng người chiến sĩ CAND làm trung tâm, nhưng không tác phẩm nào có sự trùng lặp về nội dung lẫn cách thể hiện. Gần như tất cả những góc cạnh về hình tượng người chiến sĩ đều được phản ánh chân thực và nhân văn. Nội dung tác phẩm hầu hết bám sát cuộc chiến khốc liệt chống tội phạm, ca ngợi những chiến công thầm lặng và tri ân sự hy sinh của người chiến sĩ CAND. Mỗi vở diễn lại có cách tiếp cận khác, đưa đẩy tình tiết, xây dựng tuyến nhân vật và cái kết chạm tới trái tim khán giả rất đa dạng.

Các vở kịch nói phản ánh thành công cuộc chiến trên hai phương diện. Đó là cuộc đối đầu trực tiếp giữa lực lượng công an với tội phạm ma túy và cuộc “thanh lọc” trong nội bộ cơ quan an ninh nhằm loại bỏ các phần tử biến chất, tiếp tay cho tội phạm. Vở kịch “Vẫn sống” của đoàn kịch Nhà hát Công an Nhân dân xây dựng hình tượng Đại tá Thành, chiến sĩ CAND kiên trung, quả cảm và mưu trí. Trước những cám dỗ của tội phạm bằng tiền bạc, hay dùng vũ lực uy hiếp gia đình, Đại tá Thành vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ dù phải hy sinh tính mạng. Người xem sẽ nhớ tới nhân vật Thành không chỉ trong vai trò người chiến sĩ xuất sắc, mà còn là người chồng, người cha và người bạn tận tụy tới phút cuối. Việc anh ra đi nhưng vẫn cứu được người vợ và tặng lại đôi mắt cho con gái của đồng đội, chính là những chi tiết đắt giá.

Bên kia chiến tuyến, các nhân vật phản diện như trùm tội phạm ma túy cũng được xây dựng sắc nét với tâm lý phức tạp và hành động khó đoán. Các đối tượng này bất chấp thủ đoạn mua chuộc, thâm nhập và làm biến chất người chiến sĩ nào thiếu vững vàng. Nhiều tác phẩm đã mạnh dạn đề cập vấn đề “tha hóa” trong nội bộ ngành công an. Cụ thể, như nhân vật Thượng tá Tuất trong vở cải lương “Bão ngầm” của Nhà hát cải lương Việt Nam. Vì những đố kỵ với đồng đội, tham vọng chức quyền và của cải mà Tuất đã tiếp tay cho đường dây buôn ma túy của ông trùm Trần Thiệp. Người xem cũng được chứng kiến một thực tế là bọn tội phạm thường nhắm vào “mắt xích” gia đình để lung lay ý chí người chiến sĩ. Đây là góc nhìn hết sức chân thực bởi chiến sĩ CAND cũng là con người, là người chồng và người cha trong gia đình. Khi vượt qua những cám dỗ hay sức ép như vậy, đó chính là một chiến công thầm lặng mà không kém phần lớn lao của người chiến sĩ.

Quả thực, sự hy sinh lớn nhất của người chiến sĩ CAND khi đối đầu tội phạm chính là đối diện cái chết. Nhưng từng đó là chưa đủ nói lên những mất mát của họ, khi mà những người thân và gia đình chiến sĩ cũng mang theo đau thương. Trong vở “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ, cảnh khao khát cháy bỏng chờ ngày cưới của Thiếu úy Thanh và chồng chưa cưới, người vợ của Phó Cục trưởng Quân hờn giận khi đến thăm chồng vì anh quá bận công việc mà không về được với vợ con, và đặc biệt là sự hy sinh của Thiếu úy Thanh khi còn chưa được khoác lên mình bộ cảnh phục trong ngày cưới là những tình tiết để lại dấu ấn sâu sắc. “Chiến công nào mà chẳng phải đánh đổi bằng những hy sinh, mất mát to lớn của người chiến sĩ và cả gia đình họ. Bởi thế, tôi đã không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cái chết của Thiếu úy Thanh”, chị Nguyễn Thị Hoài, một khán giả ở quận Cầu Giấy chia sẻ.

Mong đến với công chúng rộng rãi

Sau thời gian dài giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, anh chị em nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn khi phải xa sân khấu và thiếu vắng khán giả. Mặc dù vậy, mong muốn ra mắt một tác phẩm nhiều tâm huyết, sáng tạo và đi vào lòng người đã trở thành động lực, giúp các nghệ sĩ vượt qua tất cả để hăng say luyện tập. Theo dõi từ đầu đến cuối liên hoan nghệ thuật, khán giả Trịnh Thanh Hương bày tỏ: “Liên hoan thật sự thành công với mục tiêu xây dựng trọn vẹn hình tượng người chiến sĩ CAND thông qua các vở diễn gây ấn tượng sâu sắc. Đối với công chúng, tôi cho rằng các tác phẩm lần này đã đem lại cái cảm xúc nghệ thuật mà bấy lâu nay sân khấu còn khá thiếu. Thế nhưng, đối với ban giám khảo, các tác phẩm dự liên hoan chắc chắn lại là một sự “khổ”, bởi thật khó để lựa chọn giữa một rừng “hương sắc” như thế”. Có thể nói, phần thưởng lớn nhất của các nghệ sĩ chính là những tràng pháo tay không dứt sau một phân đoạn hay kết thúc vở diễn, và được diễn hết mình trong một nhà hát luôn kín người xem. “Khi chứng kiến sự đón nhận của khán giả và đồng nghiệp đối với vở diễn, anh chị em nghệ sĩ coi đó là hạnh phúc lớn nhất và niềm động viên khích lệ chúng tôi tiếp tục ra mắt nhiều hơn những tác phẩm chất lượng”, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam và đạo diễn vở “Bão ngầm” xúc động nói.

Nhiều nghệ sĩ đều bày tỏ mong muốn đưa các vở diễn chất lượng giới thiệu tới đông đảo người xem hơn. Thông qua đó, công chúng có thể thấu hiểu, đồng cảm hơn với sự lẫn những góc khuất trong nội tâm của những người chiến sĩ và gia đình họ. Đó là những điều bấy lâu họ khó giãi bày mà nay nhờ nghệ thuật sân khấu thay lời bộc bạch. 

Mặc dù số lượng khiêm tốn hơn, nhưng các tác phẩm chèo, dân ca kịch và cải lương lại là điểm sáng không thể quên của liên hoan lần này. Sức sáng tạo của các nghệ sĩ nằm ở sự lồng ghép hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống với đề tài chính luận, hiện đại. Để làm được điều này, các tác giả đã lựa chọn hướng xoáy sâu, khắc họa đời sống nội tâm, tình cảm của người chiến sĩ và gia đình, người thân. Đằng sau những cuộc chiến khốc liệt chống tội phạm, họ vẫn là những con người rất đời thường, đáng yêu và thầm lặng. Bởi thế không chỉ có những vụ án, sự mất mát, hy sinh hay những chiến công, một số vở diễn đã lựa chọn góc nhìn mới, lấy thế giới nội tâm và nhân cách người chiến sĩ làm tâm điểm.