Nghe tiếng hát nắng tung hạt vàng

Tôi đi như kẻ mộng du trong ngọn gió Ban Mê. Hương cà-phê tỏa lan từ những quán hàng ven đường. Lần mò mãi mà vẫn chưa tìm được bản Ko Sier (phường Tân Lập, thành phố Ban Mê Thuột, Đắk Lắk) để gặp nghệ nhân Ama Kim (sinh năm 1943 - tên chính là Ymip Ayun). Người trong buôn gọi theo cách mà người Ê Đê cổ xưa gọi theo tên của người con. Ama Kim nghĩa là cha của Kim.

Nghệ nhân Ama Kim (đứng giữa, hàng đầu) biểu diễn tại nhà văn hóa buôn Ko Sier.
Nghệ nhân Ama Kim (đứng giữa, hàng đầu) biểu diễn tại nhà văn hóa buôn Ko Sier.

Vị cà-phê… muối

Tôi đi theo hướng dẫn của nghệ nhân chỉ dẫn trên điện thoại nhưng cứ quanh quẩn mãi rồi lại quay về ngã tư đường phố. Nhưng rồi tôi chợt nghe thấy tiếng hát vọng lên từ một con dốc. Những lời hát trong bài ca “Em hát Ayray” của nhạc sĩ Nguyễn Cường sôi nổi ngân vang. Tôi lại gọi điện thoại cho nghệ nhân Ama Kim và hỏi đường. Ông chỉ nói một câu cứ theo đường dẫn tới chỗ tập văn nghệ chuẩn bị cho Festival cà-phê là tới…

Đúng là bó tay! Những nẻo đường rẽ xuống nương cà-phê dọc ngang trổ hoa trắng bạt ngàn. Rẽ phải. Rẽ trái. Lại rẽ theo tiếng hát mỗi lúc một gần. Già Ama Kim đã đứng đón tôi ở chân cầu thang nhà văn hóa. Tôi thở phào, quên hết cả mệt và căng thẳng. Trong khi đó, một anh chàng vẫn say sưa và nồng nhiệt trong câu ca: “Em hát Ayray tạnh chon mưa núi. Em hát Ayray tạnh cơn mưa rừng. Xao xuyến trong tôi lời con sông hát…”.

Nghệ nhân Ama Kim dẫn tôi về nhà uống cà-phê. Lại đi thêm một con dốc nữa mới tới nhà ông. Thì ra ở đây cũng có một nhóm nhạc công trẻ đang tập luyện đánh chiêng. Họ chào hỏi tôi rồi kéo nhau xuống phòng tập. Ama Kim coi tôi là thượng khách từ xa đến nên tự tay pha ấm cà-phê mới. Thấy tôi tò mò nhìn ấm cà-phê khi ông rót nước sôi vào. Chắc nhà không có phin pha cà-phê nên uống tạm thế này chăng. Hóa ra không phải mà người Ê Đê trong buôn vẫn uống cà-phê theo cách cho vào túi. Nghệ nhân Ama Kim nói chính tay ông giã cà-phê bằng cối cho mịn rồi mới pha. Đó chính là một thứ cà-phê tươi thực thụ. Ông mỉm cười nói với tôi cứ uống cà-phê cái đã rồi mới nói đến chuyện đàn ca sáo nhị. Nói xong ông còn lấy mấy hạt muối cho vào ấm cà-phê vừa rót nước sôi. Lại thấy tôi ngơ ngác thì ông giải thích rằng người Ê Đê vẫn uống cà-phê với muối chứ ít khi cho đường. Thú ẩm thực dân gian này mới thật sự của đất Tây Nguyên. Chứ cho đường hay sữa vào cà-phê là dở ẹc. Chà tôi thấy rất thú vị với chén cà-phê muối vừa rót ra. Một vị hương đắng lịm làm tôi mê ly và tỉnh táo. Nhịp tim tôi đập mạnh và khi nghe tiếng chiêng thấy bừng lên với âm thanh tràn xuống thung lũng bên suối Ea Tam.

Người gọi lại hồn chiêng

Sau đó nghệ nhân Ama Kim mới bắt đầu làm theo những yêu cầu của tôi. Ông là nghệ nhân được phong danh khá sớm (2006) khi đã đoạt hàng chục huy chương trong các kỳ hội diễn. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông có nhiều bức ảnh cùng đoàn cồng chiêng đi biểu diễn nước ngoài. Không những thế, nghệ nhân Ama Kim còn là một người khôi phục được những nhạc cụ dân tộc đã bị lãng quên. Người ta nói già Ama Kim là người giữ hồn chiêng, biết cách gọi những âm thanh của trời đất tụ về với cái chiêng. Đặc biệt, ông còn là nghệ nhân giỏi trong việc chỉnh âm thanh chiêng. Nghệ nhân xếp ra trước mặt tôi những nhạc cụ của dân tộc Ê Đê. Nào chiêng, nào sáo, tù và và kèn. Ông đưa chiếc tù và lên môi và âm thanh cất tiếng vang khắp buôn. Nghệ nhân Ama Kim hiện lên như một chàng trai Ê Đê dũng mạnh một thuở đi săn voi trên đại ngàn. Ông đứng bật dậy trong sự hứng khởi bay bổng. Tiếng tù và được ông cất lên như tiếng người hú gọi trên đỉnh núi.

Lát sau chúng tôi lại cùng nhau uống cà-phê. Ấm cà-phê càng đậm đặc thêm. Một vị đắng lịm người và sảng khoải. Nghệ nhân Ama Kim nâng chiếc chiêng lên và say sưa như thổi ngọn lửa vào âm thanh qua cánh tay nhịp nhàng gõ dùi chiêng. Lúc này mấy bạn trẻ đã ùa tới. Họ chắc không thể lặng im trước những chùm âm thanh cuồn cuộn như thác chảy từ cánh tay người cha. Cứ sau mỗi chén cà-phê muối tươi ông như lại thêm thăng hoa với những nhạc cụ trên tay. Cô cháu gái H’Ngôn Niê đứng bên bỗng cất tiếng hát theo điệu sáo bay bổng trên môi ông. Đó là bài ca “Đuổi chim ăn lúa”. Nghe như có đàn chim ríu ran cất cánh bay lên trong gió ngàn dào dạt. Hai bàn tay cô bé khua lên cao trong tiếng hát líu lo. Hình như đàn chim đang bay đi trong niềm vui trẻ thơ. Từng âm thanh lảnh lót bay lên, bay lên như một lời chào.

Nhưng khi nghệ nhân chơi nhạc cụ bộ gõ trong bài “Mời rượu” thì ông bắt tôi phải học gõ ống nhạc cụ để hòa cùng. Phải uống đến mấy ngụm cà-phê muối tôi mới đủ tỉnh táo để bắt theo nhịp phách của bản nhạc. Tôi trở thành một nhạc công hòa điệu lúc nào không rõ nữa. “Mời rượu” mà phải say và mơ mộng trong hội bản Ko Sier. Ngôi nhà sàn bên đồi của nghệ nhân Ama Kim rung lên cùng điệu nhạc điệp trùng âm thanh trong làn gió cao nguyên ùa tới. Tôi chìm đắm trong không gian âm nhạc Tây Nguyên của buôn làng Ko Sier. Giai điệu của “Em hát Ayray” vẫn vang lên tha thiết. Những lời ca như bủa vây lấy chúng tôi dào dạt âm vang: “Nguyên sơ câu hát Ayray. Tươi nguyên câu hát Ayray. Lều lêu lêu lêu lêu lêu… Em hát Ayray nắng quên chiều hè, núi quên đường về…”. Nghe đúng là tôi sẽ quên đường về và khó thể ra khỏi buôn Ko Sier.

Nghe tiếng hát nắng tung hạt vàng ảnh 1

Gia đình nghệ nhân Ama Kim mời tác giả (đứng) hòa tấu sáo.

Tiếng hát nối cộng đồng

Hát Ayray là gì vậy? Tôi lắng nghe mà không hiểu. Nghệ nhân Ama Kim giảng giải cho tôi và nói sẽ dạy tôi những câu hát quen thuộc của người Ê Dê. Ông cho biết, xưa trong buôn còn có tục xử phạt bằng cách hát Ayray. Đó là cách lối nói vần. Người Ê Đê được coi âm nhạc là lẽ sống. Gặp nhau là nói chuyện bằng hát Ayray và hát Kut. Họ hát trong nền âm nhạc cồng chiêng, đàn Đinh Năm và được giữ nhịp bằng một trống cái mặt da trâu. Đặc biệt hát Ayray được hát trong sinh hoạt và lễ hội nhận kết nghĩa tình thân. Mới đây trong buôn đã diễn ra một lễ kết nghĩa anh em giữa đồng bào M’nông buôn Ji ê Juk, xã Đắk Phơi và đồng bào Ê Đê trong buôn Ko Sier. Sau phần lễ là phần hội diễn ra sôi nổi với những lời ca Ayray hòa trong dàn cồng chiêng rộn rã. Cộng đồng anh em các dân tộc Ê Đê và M’nông đã trở thành người một nhà. Họ cùng nhau giao lưu nhảy múa bên cây nêu thần thánh.

Nghệ nhân Ama Kim gày gò đi chân đất dẫn tôi ra nhà văn hóa. Ông đã quen sống dân dã và say mê với nhạc cụ tre nứa. Ông tặng tôi cây sáo mà tôi vừa thổi cùng với gia đình. Một bản nhạc hòa tấu giản đơn theo nhịp điệu êm đềm qua bài hát “Đuổi chim ăn lúa”. Một mùa cà-phê mới sẽ bước vào một mùa xuân xanh tươi. Nghệ nhân Ama Kim đi xuống dốc suối chào tôi. Không hiểu sao bất ngờ tôi chợt nhớ đến bài hát “Bước chân trần” của Y Phôn K’So. Ông đi với cây tù và vang vọng trên con đường gồ ghề khúc khuỷu. Tôi lặng người trong giai điệu vang vọng: “Ôi thời gian! Hãy quên đi. Đôi chân cồng kềnh cha đi giữa rừng hoang vu. Lưng cha thì đội nắng gầy. Ôi tóc bạc tựa trăng soi. Cả cuộc đời và cả cuộc đời. Đôi chân trần”.

Bất chợt nghệ nhân Ama Kim ngoái lại vẫy tay chào tôi từ ngả rẽ. Ông cười rất sảng khoái rồi đưa chiếc tù và lên thổi. Đó là giai điệu da diết bay bổng như muốn hẹn người đi xa một ngày trở lại. Tôi sững người nghe như tiếng nghệ nhân Ama Kim vang từ vách núi cùng tiếng hát Ayray: “Mặt trời không muốn rời thung lũng. Dát vàng trên những khóm rừng già. Mặt trời không muốn rời thung lũng. Lắng nghe… Lắng nghe… Lắng nghe”. Cứ thế tôi loanh quanh mãi không ra khỏi buôn Ko Sier chỉ vì những âm thanh bay lên từ suối nguồn Ea Tam.