“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 19-4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” 2021. 

Đồng bào các dân tộc tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TÂM
Đồng bào các dân tộc tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TÂM

Tham gia sự kiện là đồng bào của gần 20 dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Tày, Nùng, H’Mông, Khơ Mú, Thái, Bahnar, Xê Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer… 

Ngày hội còn có các chương trình giới thiệu, trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh như: Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam; Hát xoan Phú Thọ; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; Nhã nhạc cung đình Huế; Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca tài tử Nam Bộ… Cùng với đó là Hội nghị  tổng kết 5 năm tổ chức hoạt động hằng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thi thơ và tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng”

Cuộc thi do báo Người lao động tổ chức, chào mừng 45 năm Ngày thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài đều có thể dự thi. Chủ đề cuộc thi là những đổi thay của miền đất và tố chất người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh năng động nhạy bén, hào sảng, chân tình, trọng nghĩa; Những tấm gương bình dị mà cao cả góp sức để thành phố đi lên mạnh mẽ, ngày càng văn minh, hiện đại và nhân ái, nghĩa tình; Những tâm tư về thành phố mến yêu. 

Tác phẩm dự thi phải chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội; nếu là tạp bút thì dài không quá 1.200 chữ; thơ thì không nhận trường ca, thơ trào phúng, thơ dịch.  Khuyến khích bài thi có kèm ảnh và video phù hợp nội dung bài viết. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài viết. Nhận bài dự thi đến hết ngày 15-7.

Nhạc kịch “Những người khốn khổ” lưu diễn bắc - nam

Chương trình lưu diễn bắt đầu bằng ba đêm (16, 17 và 18-4) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ đưa tác phẩm đến TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tham dự Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021. Nhà hát sẽ kết thúc chương trình lưu diễn bằng ba đêm biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh. 

Trong đợt lưu diễn này, Nhà hát sẽ áp dụng công nghệ LED để đưa công chúng tiệm cận nghệ thuật thị giác (visual art). Ngoài các diễn viên tên tuổi của nhà hát, vở diễn còn có sự góp mặt của một số diễn viên nước ngoài trong Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Âm nhạc được chơi live, thể hiện bằng tiếng Anh, để giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển nhưng có phụ đề tiếng Việt giúp khán giả nắm bắt nội dung.

“Hoàng hôn cuối”

Đây là tiểu thuyết đầu tay của cây bút trẻ Trần Hoài Sơn, do Công ty Sbooks vừa liên kết NXB Văn học cho ra mắt. Tác phẩm được đánh giá là: tự tin câu chữ, quyết liệt ý tưởng, bằng những chương, những trường đoạn như những bức tranh phức hợp đan xen; dẫn người đọc đi trên lối đi hẹp, nhưng đầy hỗn mang cõi sống. Đây là một câu chuyện đời, bằng những con chữ thản nhiên, nhưng đầy xa xót, như chuỗi đô-mi-nô lỗi một nhịp mà đổ rạp cả hàng. Câu chuyện dài được kết thúc bằng hình ảnh nhân vật được giác ngộ, được dẫn dắt hướng tới cõi niết bàn.