Muốn đi xa, luôn cần dài hạn...

Tin mừng đầu tiên khi ngày 16-5 kết thúc một tháng Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ II (do Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức), đã có gần bốn triệu lượt truy cập từ các kênh đến tới địa chỉ: https://book365.vn.

Mục tiêu là đưa từ 1,5 - 2 vạn cuốn sách được trợ giá từ 50 - 90%. Trong đó, 200 tựa sách hay của gần 100 NXB tham gia đã được trợ giá tối đa (90%) trong ba ngày cuối cùng. Và theo thống kê, có tới 63% đơn đặt hàng sách lại từ các tỉnh ngoại vi Thủ đô và TP Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy nhu cầu sách của độc giả phương xa là rất lớn, tạo ra những động lực cho Hội sách vào những năm tới…

Ủng hộ hoạt động tiêu biểu của Hội sách trực tuyến lần II, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thúc đẩy dịch vụ thư viện lưu động trong năm 2021, hướng tới hơn 4 vạn học sinh 50 điểm trường tiểu học, THCS ngoại thành Hà Nội, với 12 vạn lượt sách phục vụ. Đây là một nét trong kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa đọc năm 2021, do UBND TP Hà Nội ban hành. Cùng với đó là việc luân chuyển 5 vạn bản sách xuống 125 thư viện trường học, tủ sách cơ sở phường, xã, trại giam và thư viện tư nhân, cộng đồng trên toàn thành phố. Cũng trong năm nay, UBND thành phố sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động tại Phố Sách Hà Nội, chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ VIII; và Hội Sách Hà Nội lần thứ VII, sẽ tổ chức từ ngày 29-9 đến 3-10 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội.

Song hành việc khởi động cuộc thi kịch bản điện ảnh từ cơ quan cấp Bộ, tại TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra những cuộc tọa đàm của các chuyên gia trong ngành để tìm lời giải cho việc thiếu hụt nhân lực điện ảnh chất lượng cao lâu nay. Trong công tác đào tạo, ngoài Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, còn có gần 10 cơ sở đào tạo chính quy các lĩnh vực liên quan đến điện ảnh như: ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Lang, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh... Ngoài ra, còn có một số cơ sở tư nhân cũng có các chương trình đào tạo ngắn hạn. Tuy vậy, sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao để phát triển thị trường “công nghiệp điện ảnh” bắt kịp thế giới (đầu tiên là trong khu vực Đông - Nam Á), vẫn đang là bài toán khó lâu nay. Ý kiến chung của các chuyên gia là hầu hết các cơ sở công lập còn nhiều hạn chế như: giáo trình cũ, thiếu nhiều phương tiện hiện đại, đầu vào thiếu sinh viên có tài năng, năng khiếu… Còn các cơ sở tư nhân tuy có sự đầu tư chiều sâu về vật chất, trang thiết bị, chế độ ưu đãi thu hút giảng viên, nhưng lại nhỏ lẻ hơn…