Một “Bạch đàn liễu” đậm chất tự sự

Sân khấu LucTeam vừa dựng vở “Bạch đàn liễu” của nhà viết kịch Xuân Trình. Với phong cách rất độc đáo, vở đã thu hút sự chú ý và cảm tình của khán giả.

Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu”.
Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu”.

1. “Bạch đàn liễu” là vở kịch nói tiêu biểu, một trong những tác phẩm điển hình của cố tác giả Xuân Trình, đã được dàn dựng và công diễn từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước bởi nhiều đơn vị sân khấu trên cả nước. LucTeam đã tìm một hướng đi hoàn toàn mới nhưng vẫn giữ nguyên cốt truyện, đặc biệt là tư tưởng chủ đề mang đầy tính thời sự cho cả đến ngày nay. Câu chuyện cũ nhưng được kể lại một cách hoàn toàn mới, gần gũi, không hề xa lạ với khán giả đương đại, đó là những gì mà NSƯT đạo diễn Trần Lực và nhóm LucTeam đã làm được.

Vở diễn được coi như một câu chuyện đã xảy ra và được kể lại thông qua nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Đạo diễn chia sẻ, ông chọn cách tả ý, sử dụng tối đa yếu tố ước lệ, biểu hiện trong quá trình dàn dựng và biểu diễn từ kịch bản cho đến không gian, thời gian, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Trên sân khấu về cảnh trí, các cảnh sinh hoạt gần gũi với đời thường, hầu như là không có. Các hành động sân khấu được tối giản, cô đọng, phục vụ cho diễn viên trong quá trình thể hiện đời sống tâm lý của nhân vật.

Vở kịch được rút ngắn từ ba tiếng xuống còn 80 phút nhưng vẫn giữ được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Đó là đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng và mong muốn đất nước phát triển, tiến bộ.

2. Không gian sân khấu cũng mang tính ước lệ cao, chẳng hạn như sử dụng hai cây bạch đàn để tả ý. Đó là hình ảnh tượng trưng cho đôi nam nữ, mầu trắng của cây, của lá ngụ ý nói đến sự trong trắng, thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Hai cây bạch đàn không chỉ gây thích thú về thị giác mà còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tả ý và tả thật. Mở đầu là hai cây bạch đàn vươn cao, kết thúc là hai cây bị chặt đổ gợi lên bi kịch về một mối tình đổ vỡ giữa Độ và Liễu. Phía dưới, một tấm vải dài, trải rộng choán toàn bộ mặt sân khấu với gam mầu trắng đục gợi lên sự khắc khổ, khô cằn của một vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Đó cũng là chia sẻ của họa sĩ Hoàng Duy Đông khi anh tham gia thiết kế mỹ thuật cho vở diễn.

Thành công nhất của vở phải kể đến, chính là nghệ thuật biểu diễn đầy tính ước lệ, biểu hiện của diễn viên nhóm LucTeam. Khán giả đặc biệt yêu thích nhân vật Quyền (Phó Chủ tịch xã) qua phần diễn xuất đầy tài năng của nghệ sĩ Hoàng Tùng. Xuất phát từ một nghệ sĩ theo đuổi bộ môn hình thể, anh đã có sự kết hợp tài tình giữa lời thoại và các động tác hình thể mang tính biểu hiện cao để làm nổi bật tính tham lam, lưu manh của nhân vật Quyển, người đã gây ra sự đổ vỡ của một mối tình trong sáng, sự khổ cực của bao gia đình, hơn nữa là sự phá hoại, cản trở sự phát triển của địa phương, xã hội.

Vở diễn đã rất thành công trong sự kết hợp các yếu tố tự sự, ước lệ biểu hiện với yếu tố hiện thực, mang lại một không khí mới lạ cho đêm diễn. Có lẽ, vở sẽ thành công hơn nếu như hình tượng nhân vật trung tâm - Liễu được xây dựng công phu hơn nhằm bộc lộ giải xung đột trung tâm và hành động xuyên suốt vở diễn. Với cách kể chuyện đậm chất tự sự và duyên dáng, vở diễn đã giúp khán giả gặp lại nhà viết kịch tài năng, nhiệt huyết Xuân Trình qua cái nhìn cụ thể, hiện thực về đời sống xã hội những năm đầu đổi mới.