Mai một nghề đan lát truyền thống xã Quang Trọng

Nghề đan lát ở xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ mai một do xã hội ngày càng phát triển những sản phẩm công nghiệp hiện đại dần thay thế các vật dụng truyền thống trong khi người làm nghề đều đã lớn tuổi.

Nhiều sản phẩm bền đẹp được người dân xã Quang Trọng đan thủ công dần vắng bóng trong đời sống.
Nhiều sản phẩm bền đẹp được người dân xã Quang Trọng đan thủ công dần vắng bóng trong đời sống.

Xã Quang Trọng vốn nổi tiếng về những sản phẩm được đan lát thủ công từ những loại cây gần gũi có sẵn trong tự nhiên như cây tre, vầu, cây giang. Sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn đa dạng, bền bỉ với thời gian qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nông dân nơi đây. Từ nhu cầu thiết yếu của đời sống, những chiếc rổ, giỏ đánh cá, chiếu để nằm, thảm trải sàn nhà, nón hay vách ngăn che nắng che mưa cho ngôi nhà được làm ra. 

Trong lần tới thôn Nà Cọn mới đây, khi hỏi thăm các hộ còn làm nghề đan lát thì ai cũng lắc đầu nói rằng ít lắm, đa số giờ chuyển qua nghề khác. Chúng tôi may mắn tìm được đến nhà bà Lâm Thị Xuân, vẫn đan chiếu cót theo đơn đặt hàng. Bà bộc bạch: “Ngày xưa thì nhà nào cũng biết làm, vì thiếu thốn nên phải tự làm, chủ yếu là phục vụ gia đình thôi, sau này mới đem ra ngoài bán. Giờ không ai làm mấy rồi vì nguyên liệu là cây cót ngày càng ít phải đi xa mà cũng khó bán. Tôi chỉ tranh thủ những ngày nông nhàn thì làm thôi”. 

Được tận mắt xem thao tác và sản phẩm làm từ cây cót mới thấy được sự tỉ mỉ, khéo léo của bà con. Đầu tiên phải đi tìm cây nguyên liệu, chặt thành từng khúc, cạo vỏ thân cây sau đó chẻ ra từng nan nhỏ, mỏng. Việc này đòi hỏi khéo léo vì yêu cầu độ đồng đều ở mỗi nan. Sau đó đem từng bó nan đã xử lý xong phần thô đi ngâm nước cho dẻo để khi đan không bị gãy. Tiếp đó lấy lên để phơi cho ráo nước rồi đan sản phẩm. Tùy vào mỗi mục đích và yêu cầu về kích thước mà sản phẩm sẽ có giá thành khác nhau. Những vật dụng như chiếu, thảm sàn nhà làm cót có thể dùng hàng chục năm mà không hỏng, càng dùng lâu càng bóng. Còn những tấm thảm dùng để phơi nông sản như lúa, ngô, khoai sắn thì được đan bằng cây nứa. 

Thời còn khó khăn, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa bán lên Cao Bằng thì những sản phẩm của người dân xã Minh Khai rất được ưa chuộng vì đẹp mà bền có tiếng. Những cô gái về làm dâu ở nhà chồng đều phải thạo đan lát, có những bà cụ dù đã rất lớn tuổi vẫn còn có thể đan dậu, đan chiếu cho gia đình. Nhưng nay, hợp tác xã làm sản phẩm đan lát không còn, người trẻ cũng không theo nghề mặc dù qua mạng xã hội vẫn có khách từ xa đặt hàng. 

Trên đường về, hai bên đường chúng tôi gặp mấy cụ già ngồi trước hiên nhà sàn cổ, cặm cụi đan chiếu. Do sự phát triển của xã hội, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân ngày càng đa dạng, tiện lợi, giá thành rẻ nên sự mai một của nghề đan lát nơi đây là rất rõ rệt. Những sản phẩm bán ra không được nhiều và chỉ còn những người lớn tuổi biết làm nghề. Mai sau, có lẽ những vật dụng tinh tế được chế tác bởi những nghệ nhân dân gian nơi đây từ những cây giang, cây nứa sẽ chỉ còn trong ký ức.