Lưu niệm đường Á Nam Trần Tuấn Khải và tâm nguyện của nữ sĩ Lan Hinh

Á Nam Lưu niệm đường nằm ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), là nơi tưởng nhớ, lưu giữ, bồi đắp những giá trị về con người và văn hóa của nhà thơ yêu nước Trần Tuấn Khải. Hơn 20 năm trước, Lưu niệm đường được xây dựng và vun đắp bởi tâm nguyện, nỗ lực từ một người con của nhà thơ Trần Tuấn Khải là nữ sĩ Lan Hinh. Nay, ở tuổi 80 “gần đất xa trời”, bà Lan Hinh đang không ngớt lo âu về sự bền lâu của một không gian văn hóa nhiều giá trị.

Bà Lan Hinh (bên trái) con gái nhà thơ Trần Tuấn Khải. Nguồn: xhnv.vhu.edu.vn
Bà Lan Hinh (bên trái) con gái nhà thơ Trần Tuấn Khải. Nguồn: xhnv.vhu.edu.vn

Con đường gợi mở

Á Nam Trần Tuấn Khải là một nhà thơ yêu nước tiêu biểu những năm đầu thế kỷ 20. Ông có nhiều bút danh, nhưng thường dùng là Á Nam. Ngoài viết truyện, làm thơ, soạn kịch, dịch sách, dạy học, Á Nam còn tham gia hoạt động cách mạng.

Dòng thi ca “nặng tình non nước” của ông được lưu nhớ sắc sâu trong nhiều thế hệ văn nghệ của nước ta. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như: Duyên nợ Phù sinh; Bút quan hoài; Tiễn chân anh Khóa; Gương bể dâu; Mừng anh Khóa về… hàm chứa nhiều giá trị.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cảm nhận: “...Tôi nghĩ thơ của cụ Á Nam như là khí phách của dân tộc, như ngọn lửa nghìn năm thấm vào lớp sĩ phu ở cái thời chúng ta mới mất nước. Và trong thơ ca của cụ Á Nam vừa có cái văn hiến uyên bác đã nhiều đời của dân tộc, nhưng lại có cái hồn dân gian của người dân rất bình thường...”.

Trong quá trình sáng tác và hoạt động của mình, nhà thơ quê ở Mỹ Lộc, Nam Định đã có nhiều đóng góp cho văn học - nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Và đến năm 1985, tên nhà thơ Trần Tuấn Khải đã chính thức được đặt tên cho một con đường ở quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Vinh dự đó đã thôi thúc, gợi mở cho người con gái của cụ Á Nam là nữ sĩ Lan Hinh có một khát vọng, tâm nguyện cháy bỏng là được dựng nên một không gian lưu niệm, tưởng nhớ bền lâu những giá trị về con người, sự nghiệp của một người cha, một nhà thơ có nhiều hy sinh và đóng góp.

Bà Lan Hinh chia sẻ, khi biết tin cha mình được đặt tên đường, tâm trạng của bà cứ chộn rộn buồn vui. Vui vì cha mình được ghi nhớ, tôn vinh. Buồn vì là phận con nhưng chưa báo hiếu cho thấu lòng. Giá trị về văn thơ và cốt cách của cha để lại rất lớn, nếu không sưu tập, lưu nhớ lại thì thật có tội.

Nỗi dằn vặt đó đã thôi thúc bà hành động. Bà từ Mỹ một mình trở về Việt Nam quyết tâm thực hiện tâm nguyện của mình.

Trăn trở một tâm nguyện

Về nước, nữ sĩ Lan Hinh đã chắt chiu tìm đến vùng đất Hiệp Bình Chánh mua đất cất nhà làm nơi lưu niệm. Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến năm 1998 khu lưu niệm đường xây dựng theo phong cách, nếp sống điền viên của cụ Á Nam được hình thành.

Trong không gian rộng gần hai nghìn m2 là căn nhà gỗ đơn sơ, bình dị, có giậu trúc, phên tre, có vườn rau, luống cà... Và ở đó được lưu giữ, trưng bày những tác phẩm, những kỷ vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Á Nam Trần Tuấn Khải mà nữ sĩ Lan Hinh cùng Giáo sư Hoàng Như Mai dày công sưu tầm, bồi đắp.

Từ đó đến nay, Á Nam Lưu niệm đường đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Cứ mỗi dịp tưởng nhớ đến cụ Á Nam, nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên đã tìm về quây quần, cùng cất lên ý thơ, làn điệu để ôn lại thơ và đời của cụ Á Nam.

Cũng tại không gian Lưu niệm đường đó, nữ sĩ Lan Hinh đã dồn tâm huyết hoàn thành và xuất bản tác phẩm: “Kim Sinh Lụy Á Nam Trần Tuấn Khải tác phẩm, nhận định và bình luận”. Bên cạnh đó, bà cũng đã cho ra đời nhiều tập thơ giàu giá trị nhân văn như: Vườn hồng; Đạo thường; Bến nào...

Và để thơ của cụ Á Nam mãi được lan tỏa đến nhiều thế hệ mai sau, bà Lan Hinh cũng đã nỗ lực tổ chức nhiều sân chơi, hội thi, trao giải thưởng, học bổng để khuyến khích các em học sinh, sinh viên tìm hiểu về nhà thơ Trần Tuấn Khải.

20 năm qua, những hoạt động, những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được bà Lan Hinh bền bỉ, đều đặn tổ chức hằng năm ở Á Nam Lưu niệm đường đã trở thành nguồn mạch hun đúc, giáo dục lòng yêu nước và văn hóa dân tộc...

Nhưng đáng tiếc, ở đó vẫn chỉ mang tính chất là bổn phận, là tấm lòng của một người con đối với người cha. Vai trò tham gia đồng hành để duy trì, nâng tầm Lưu niệm đường của các tổ chức hữu quan vẫn là mờ nhạt.

Là người thường xuyên tham gia vào các buổi tưởng nhớ cụ Á Nam, Nhà sử học Nguyễn Nhã bày tỏ, Á Nam Lưu niệm đường chính là nơi sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu. Nếu chúng ta đang lo âu về nguy cơ lòng yêu nước sụt giảm thì chính những vần thơ của Trần Tuấn Khải vẫn còn nguyên giá trị yêu nước vượt thời gian và không gian.

“Chị Lan Hinh đã nỗ lực tạo nên Á Nam Lưu niệm đường thì chính quyền địa phương phải tham gia vào việc duy trì tồn tại không gian đó”, nhà sử học Nguyễn Nhã đề xuất.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tặng bằng khen cho nhà thơ Lan Hinh vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Nguồn động viên đó vô hình trung càng khiến bà Lan Hinh thêm trăn trở, lo âu.

Bà chia sẻ, ngay từ khi hình thành Lưu niệm đường, bà đã mong muốn, sẵn sàng để cho cơ quan, tổ chức tham gia bảo tồn và phát huy nơi đây. Coi đó là một di sản văn hóa của dân tộc. Nhưng đến nay ở tuổi 80, nỗi trăn trở về sự kế tục, vun đắp Á Nam Lưu niệm đường vẫn là nỗi lo day dứt.