Lễ còn, hội cắt

Lễ hội Cầu Bông ở làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam) là lễ hội cầu mưa thuận gió hòa cho làng trồng rau mùi thơm ngon nức tiếng xứ Quảng. Nhưng năm nay, do dịch Covid-19, nhiều nguy cơ nên làng chỉ tổ chức lễ mà cắt đi phần hội.

Lễ hội Cầu Bông chỉ còn phần lễ.
Lễ hội Cầu Bông chỉ còn phần lễ.

1/ Lễ hội Cầu Bông gắn liền những cuộc thi của người nông dân trong xóm rau thơm, hành hoa. Đó là thi cuốc đất vạm vỡ, thi vớt rêu dưới sông làm phân trồng rau, thi làm món tôm kèm rau làng trồng được, thi bơi thuyền thúng mủng trên sông Cổ Cò. Cùng với những cuộc thi là âm nhạc dân ca bài chòi, những tiếng hô nhặt khoan bên sông, trên đồng, bên biển. Âm thanh náo nức vang vọng sang những thôn khác như một niềm tự hào Trà Quế không chỉ có rau mà còn có hội làng.

Ngoài những phần thi thố còn là một ngày tề tựu của người dân trong xóm, ngoài làng cũng như khách du lịch tham quan nét văn hóa đặc sắc của cư dân nông nghiệp vào ngày mồng bảy tháng Giêng hằng năm. Nhưng năm nay chỉ còn phần khấn vọng tổ làng, tổ nghề cày cấy thâm canh cùng những tiếng trống vang lên mà không có khán giả. Người làng vẫn ra đồng làm việc bình thường, tại những tuyến đường nhỏ dẫn vào làng đều có chốt canh tránh tập trung đông người, đây là cách làm hay nhưng cũng để lại những nỗi niềm, một kỷ niệm về một năm hội làng nhiều nỗi niềm lo lắng khiến những nô nức bị ngăn dòng.

Không hẹn mà về, những người con của làng rau thoát ly lên phố, dâu rể khác phường nhưng cứ đến ngày hội làng lại lịch kịch tìm về. Chị Phạm Thị Thảo lấy chồng về Cẩm Châu, nhưng năm nào vào ngày này, chị cũng về bên ruộng rau luống cải, ngắm đồng làng ngày xuân, được gặp những người già, người trẻ. Nhưng năm nay, chị Thảo cho biết: “Nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ ở Hội An trước, trong và sau Tết Nguyên đán đều không tổ chức. Ba mẹ tôi nói năm ni chỉ lễ không hội. Theo đó, làng cũng không rước, không nghinh. Chỉ ít người đại diện lễ cho có lệ hằng năm tưởng nhớ. Biết vậy nên tôi cũng không thu xếp về làng”.

2/ Như thông lệ, lễ hội làng rau Trà Quế được tập trung cúng tế tại đình làng. Mỗi nhà, dù ít, dù nhiều đều sắm một mâm lễ vật Cầu Bông gồm một con gà trống miệng ngậm hoa và năm đĩa xôi hồng cắm năm bông hoa rực rỡ... Ngày lễ hội, ai nấy đều cảm thấy mình vừa là thành viên thụ hưởng mảnh đất nằm trên cồn nổi thuộc lưu vực sông Thu Bồn. Đất khai hoang cha ông để lại, kinh nghiệm thâm canh cha ông để lại, ấm no để lại cháu con nên ai cũng thấy mình có trách nhiệm giữ gìn.

Cụ Nguyễn Văn Hòa kể lại: “Trước đây chưa có những cây cầu, chưa có tuyến đường Hai Bà Trưng xuyên qua làng, người trong xóm muốn ra biển, lên phố phải đi thuyền qua sông. Từ ngày có đường, có cầu, khách thập phương về đây đông đúc. Khách du lịch quốc tế về đây vui đồng rau, tươi cười trong mầu nắng. Nhưng năm nay thật sự phân vân. Hội làng vẫn lệ nhưng cắt giảm đi nhiều”. Hội làng Cầu Bông của người dân Trà Quế nhằm tưởng nhớ bí quyết thâm canh cây rau, đồng màu vẫn giữ nguyên nếp cũ, không dùng phân hóa học, hóa chất trên đồng”.

Mùa xuân năm nay, nhiều hội làng, hội xuân trên cả nước ít nhiều đều phải “nín nhịn”. Lễ hội Cầu Bông chỉ còn tiếng trống điểm để nhớ ngày. Duyên với hội, tình với làng đều còn, đều đậm sâu nhưng vì dịch Covid-19 nên ai nấy đều phân ly, cắt giảm. Chị Thảo kể cho tôi hay rằng: “Món tôm của làng mà thi thố thì khí thế khó quên lắm, con tôm đỏ au, chín cong kẹp với một lát thịt, cọng rau húng, tép hành. Nhiều nhóm phụ nữ đã phải lo từ hôm trước, thức dậy từ ba giờ sáng đón tàu, đón thuyền đánh cá để mua tôm tươi về thi. Món thi, không những đẹp mắt mà phải ngon mồm, điểm mới cao. Thi thố, cho mình bứt phá. Đó là cuộc thi thích nhất của phụ nữ khéo tay hay làm, đảm đang bếp núc. Năm nay không thi nên tôi không về bên nhà mẹ đẻ. Cũng buồn!”.

Cũng buồn - hẳn nhiều nơi như vậy. Nó nằm trong chờ đợi mỗi đầu năm mới, mỗi mùa xuân sang. Lễ hội là ngày để người làng gần gũi nhau hơn, đàn ông, phụ nữ cũng có dịp khoe tay khỏe, tay khéo qua những cuộc thi dân dã. Năm nay, ngày hội đã điểm nhưng những người dân trong làng vẫn ra đồng làm việc bình thường, chỉ hướng ánh mắt về đình làng với mong cầu bình an và hẹn mùa hội năm sau sẽ khác.