Lan tỏa tình yêu tôn vinh Truyện Kiều

Tháng 9 vừa qua, kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) ngành bưu chính nước Pháp phát hành những mẫu tem kỷ niệm. Trong đó, mẫu tem có tên Histoire De Kiều theo bức tranh “Cung đàn bạc mệnh” trong bộ tranh lụa Kiều của họa sĩ Ngọc Mai. 

Bức tranh lụa “Cung đàn bạc mệnh” của họa sĩ Ngọc Mai.
Bức tranh lụa “Cung đàn bạc mệnh” của họa sĩ Ngọc Mai.

1. Họa sĩ Ngọc Mai tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mai, hiện ở phường 4, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Bà có nhiều triển lãm tranh tại TP Hồ Chí Minh, Houston (Mỹ), Paris (Pháp). Bà là hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Mẫu tem kể trên thuộc Lettre verte 20 gr (dùng cho thư đến 20 gr). Họa sĩ chia sẻ, rất vinh dự đồng thời cho thấy sự quan tâm của nước Pháp với tác phẩm hội họa Việt Nam đương đại. Điều này góp phần tôn vinh Truyện Kiều, kiệt tác văn học Việt Nam đến công chúng nước ngoài. 

Với họa sĩ Ngọc Mai, tình yêu dành cho văn chương đã đến từ khi bà còn là một nữ sinh trung học. Khi ấy, trong các giờ thuyết trình môn Văn, bà đã cùng các bạn “hóa thân” thành nhân vật trong các tác phẩm văn học được bình giảng. Nhưng tình yêu mến của bà cùng bạn đồng môn là dành cho tác phẩm Truyện Kiều. Những dòng thơ lục bát của Đại thi hào Nguyễn Du đã khiến cô thiếu nữ tuổi đôi tám say mê. Điều này đã “đi theo” bà suốt thời tuổi trẻ. Mãi đến những năm cuối thập niên 1980 khi sinh kế đã bớt nhọc nhằn, bà làm quen với hội họa khi chính thức nhập môn với hai họa sĩ lão thành: PGS Trần Văn Phú và họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. Tuy chuyên về hai thể loại tranh lụa và tranh sơn dầu nhưng bà tìm tòi con đường riêng trong cách thể hiện, nhất là với lụa, vì chất liệu này dễ chuyển tải cảm xúc. 

2. Năm 2000, bà có cuộc triển lãm mang chủ đề “Nàng”, ghi lại những nét đẹp của người phụ nữ, từ ngoại hình đến dung hạnh. Từ ký ức tuổi thanh xuân khiến những dòng thơ Truyện Kiều “cuộn về” đem đến cho bà hồi tưởng sâu lắng. Bà yêu hình ảnh một cô gái đẹp, tài năng và hiếu thảo nhưng lại gặp biết bao gian nan, truân chuyên, thăng trầm. Để rồi, niềm ao ước thể hiện thân phận nàng Kiều qua mảng hội họa cứ thế lớn dần. 

Bà hiểu, muốn diễn đạt Truyện Kiều bằng ngôn ngữ hội họa không dễ chút nào! Tuy nhiên, từ thẳm sâu của trái tim, bà muốn vẽ bộ tranh lụa Kiều thuần Việt nên dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu cảnh trí cùng trang phục Việt trước đây, để người xem hôm nay nhìn vào vẫn nhận ra sự gần gũi vì nét dân tộc thấm đậm trong đó. Bà dành hẳn 12 năm (từ 1999 đến 2011) “sống cùng” nàng Thúy Kiều. Và, đã dành tình yêu cho nàng trong 28 bức tranh lụa. Nữ họa sĩ đã “cùng với” nàng cảm nhận từ những khúc quanh cay đắng và cả đến giây phút ngọt ngào. Bà tâm sự: “Bao nhiêu năm rồi, niềm ước mơ thể hiện Truyện Kiều qua mảng hội họa vẫn như một thách thức lớn cho mình và tôi đã hoàn thành bộ tranh này với tất cả đam mê, như có một ma lực gọi mời của mầu sắc, cùng tiếng thì thầm nhẹ nhàng nhưng réo rắt bên khung lụa trở thành huyễn hoặc… Và cứ thế, vẫy gọi…”. Có thể nói, họa sĩ Ngọc Mai đã dành tất cả tình yêu hội họa cho nàng Kiều. Và, có lẽ sự trải lòng về cuộc đời Thúy Kiều trên những khung tranh lụa Hà Đông vẽ bằng mầu nước đã đưa bà tìm thấy chính từ khổ đau đã gieo mầm cho hạt yêu thương nảy nở. 

3. Tình yêu dành cho nàng Kiều của họa sĩ Ngọc Mai đã được các họa sĩ lão thành đánh giá cao. Như nhận xét của họa sĩ Trần Văn Phú, khi ông chia sẻ: “Họa sĩ Ngọc Mai thuở còn xuân thì đã từng nuôi ý tưởng vẽ về Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, mãi đến mùa hạ năm 2011 tác phẩm hoàn thành theo phong cách Á Đông. Tranh đẹp ở chất lụa, hình cách tân, bố cục kết hợp thư pháp. Họa sĩ Ngọc Mai là một nghệ sĩ giàu xúc cảm và tâm huyết trong sáng tác”.

Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã dành những lời ưu ái cho học trò: “Những nỗi niềm khắc khoải của nàng Kiều được giãi bày bằng tranh vẽ trên lụa như cộng hưởng thêm tấm lòng của người hậu thế với cụ Nguyễn Du”. Là họa sĩ chuyên về tranh lụa, bà đánh giá cao 28 bức tranh vẽ nàng Kiều của họa sĩ Ngọc Mai vì: “Từ chất liệu nhẹ nhàng bay bổng, từ sự lung linh huyền ảo của sắc màu, từ những cung bậc buồn vui, suy tư lãng mạn đầy nữ tính, họa sĩ đã đưa ta vào trạng thái hư hư thực thực của Truyện Kiều, của thân phận một mỹ nhân tài hoa nhưng đầy truân chuyên. Họa sĩ đó là Ngọc Mai”.