Mỹ thuật ứng dụng

Làm sao thoát phận “con nuôi”?

Mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhưng ngành này lại đang ở trong tình trạng manh mún, mạnh ai nấy sống…

Cảnh đìu hiu tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019, dù hoạt động chỉ tổ chức 5 năm một lần.
Cảnh đìu hiu tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019, dù hoạt động chỉ tổ chức 5 năm một lần.

Chưa được coi trọng đúng mức

MTƯD tại Việt Nam chưa được coi trọng và còn nhiều bất cập, trong khi ở nhiều quốc gia phát triển MTƯD được coi là ngành kinh tế tri thức, được xã hội quan tâm. Trong các trường chuyên nghiệp, 10 chỉ tiêu đào tạo thì có đến tám chỉ tiêu là MTƯD và hai chỉ tiêu là nghệ thuật tạo hình. Còn ở Việt Nam, các ngành học MTƯD không thu hút được sinh viên và riêng lĩnh vực MTƯD đang chịu sự quản lý của cả ba bộ: Bộ Công thương thì quản lý nghệ nhân; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quản lý làng nghề; còn Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thì quản lý về mỹ thuật - thẩm mỹ. Tình trạng chồng chéo khiến ngành này không có phương hướng rõ ràng cho sự phát triển.

Theo họa sĩ Ngô Anh Cơ, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều người học thiết kế (design) xong rồi bỏ nghề đi vẽ tranh hoặc làm nhiều việc khác, rất lãng phí chất xám. Bên cạnh đó, vai trò của người thiết kế (designer) bị lãng quên trên các nhãn hiệu hàng hóa trong nước. Còn về mảng thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân Vũ Hy Thiều cho biết: “Đây là mảng nghề truyền thống rộng lớn nhưng thiệt thòi nhất, nước ta có hơn 10 triệu người sống bằng nghề thủ công mỹ nghệ nhưng ít được hưởng sự quan tâm từ chính sách. Theo tôi biết, có tới 97% thợ thủ công học nghề từ các gia đình làm nghề. Chỉ có 2 - 3% mới học qua trường lớp”.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: Rất nhiều năm, chúng tôi muốn đề xuất ra luật mỹ thuật bao hàm hết các lĩnh vực của mỹ thuật, trong đó gồm cả mỹ thuật tạo hình, thiết kế và mỹ thuật thủ công… để có cơ sở pháp lý từ các văn bản quản lý nhà nước nhằm thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Nhưng để ra được thì không đơn giản chút nào. Cái khó nhất là làm để các cấp nhận thức được tầm quan trọng của mỹ thuật, trong đó có MTƯD rất cần thiết, rất cần ra một bộ luật.

Thiếu liên kết

Liên kết phối hợp để cùng phát triển là điều kiện cực kỳ quan trọng của MTƯD. Họa sĩ Phan Quân Dũng, Trường đại học Văn Lang nhấn mạnh: Đã nói đến MTƯD thì phải nói đến designer và doanh nghiệp. Nhưng cả hai hệ thống này kết nối với nhau rời rạc. Doanh nghiệp chỉ lo lợi nhuận trước mắt, nhà thiết kế thì chỉ… kiếm cơm qua ngày, thực hiện thiết kế sản phẩm như cái máy không sáng tạo, đôi khi còn lấy cắp ý tưởng, thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Đó cũng chính là một nguyên nhân để sản phẩm không thể phát triển được rộng rãi, lạc hậu với thế giới và nhất là trong thời kỳ kỹ thuật công nghệ 4.0. Trong khi đó, một thí dụ theo họa sĩ Hồ Nam, làng sơn mài Hạ Thái (Hà Nội), có khá ít nghệ nhân so các làng nghề khác. Nhưng thật bất ngờ khi hãng thời trang nổi tiếng Hermes đang thuê nghệ nhân ở đây sản xuất đồ lưu niệm cho hãng. Những chiếc hộp với kích thước 20x20 cm, được chế tác cực kỳ tinh xảo với giá thực tế khoảng 2.000 - 3.000 USD, dùng để tặng kèm cho các sản phẩm túi. Điều đó cho thấy, nghệ nhân Việt Nam có thể làm được rất nhiều nhưng ở không phát triển và nhân rộng những mô hình đó.

Cũng vấn đề này, theo họa sĩ Ngô Anh Cơ, ngay cả những doanh nghiệp trong nước, như doanh nghiệp nội thất Xuân Hòa cũng đang thiếu trầm trọng nhân lực thiết kế cho các sản phẩm nội thất và đang phải thuê các nhà thiết kế từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là vấn đề đau xót bởi vì rõ ràng các nhà thiết kế trong nước có thể làm được.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên tách bạch mỹ thuật thủ công và thiết kế (design) thay vì thuật ngữ MTƯD nhằm tạo ra chính sách phát triển rõ ràng cho cả hai ngành. Cùng với đó, phát triển chính sách để quy tụ, tập hợp các họa sĩ, nghệ nhân và tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà thiết kế. Phải có hợp đồng, triển khai sản phẩm, sản xuất thì MTƯD mới phát triển được. Họa sĩ Vi Kiến Thành kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, các làng nghề, các nhà thiết kế, các nghệ nhân, thợ thủ công hãy cùng nhau thiết lập một website MTƯD với hệ thống quản trị đáng tin cậy, trở thành chợ điện tử MTƯD, nơi giới thiệu chào bán các thiết kế; mẫu mã sản phẩm, trao đổi các thông tin, các hoạt động MTƯD, kết nối các doanh nghiệp, làng nghề, người thiết kế, sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Sự tồn tại và phát triển của mỹ thuật nói chung và MTƯD nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề để MTƯD hoạt động hiệu quả. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định, MTƯD là một phần của công nghiệp văn hóa đất nước. Điều này đòi hỏi vai trò trách nhiệm của Nhà nước, cần có một chính sách tập trung, phân cấp đầu tư và quản lý rõ ràng để ngành MTƯD thoát khỏi phận con nuôi. Từ đó giữ và phát huy được bản sắc riêng nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường hiện nay.