Làm gì để “Ngôi nhà chung” hút khách?

Gần trung tâm Hà Nội, cảnh quan đa dạng, không gian bảo tồn văn hóa các cộng đồng dân tộc được đầu tư lớn nhưng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL) vẫn gặp khó.

Một góc Làng Văn hóa - Du lịch.
Một góc Làng Văn hóa - Du lịch.

Du lịch cộng đồng, trải nghiệm homestay cùng đồng bào các dân tộc tại Làng VHDL là một trong những dịch vụ mới triển khai. Hiện nay, những ngôi nhà sàn, nhà dài truyền thống tại khu làng dân tộc Ê Đê, Mường đều có thể đón khách lưu trú, từ một vài tới những đoàn 40 - 80 người. Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Đại An Nguyễn Tiến Luận, thay vì phải mất vài ngày, có khi cả tuần để có thể tới những bản người Dao, Mường, H’Mông khắp vùng Tây Bắc, thì du khách có thể tới đây với lịch trình hai ngày một đêm tham gia chương trình “tích hợp” tìm hiểu văn hóa và giao lưu các dân tộc, nghỉ dưỡng trong cùng một điểm đến. Đây là một hướng khai thác tiện cho những gia đình có con nhỏ, có người lớn tuổi không thể đi xa.

Mức giá niêm yết cho du khách thuê nhà sàn không quá cao, từ 50 nghìn - 100 nghìn đồng/đêm, ưu tiên cho học sinh, sinh viên, người già. Tuy nhiên, hướng khai thác này vẫn chưa được các công ty và cả khách hàng mặn mà, bởi hạ tầng dịch vụ còn hạn chế, thiếu thông tin và trải nghiệm gắn với sinh hoạt cộng đồng của du khách, chưa nhiều hoạt động vui chơi giải trí, nhất là buổi tối, thiếu nhà hàng hay các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của các dân tộc, chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh sạch sẽ…

Hiện lượng khách đến đây chủ yếu là khách nội địa, dòng khách học sinh, sinh viên chiếm khoảng 66% do các công ty lữ hành đưa tới. Đây là nguồn khách tiềm năng bởi Làng VHDL nằm gần các đô thị lớn, thường xuyên đón các đoàn từ trung tâm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… về tham dự. Tuy nhiên đây chỉ được coi là một điểm đến trong lịch trình tour, thường chỉ một vài tiếng, nhiều nhất có các hoạt động team buiding thì kéo dài một buổi. Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Fivestar travel cho rằng, đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch bài bản, có chiều sâu chính là cách tháo gỡ “nút thắt” thu hút khách tới Làng VHDL. Trong đó, cần đầu tư hoàn thiện trước hết là hệ thống bảng, biển chỉ dẫn, cải tạo cảnh quan, tạo ra không gian mang tính điểm nhấn cho du khách, vừa liên kết để tạo thành một chuỗi trải nghiệm văn hóa, chuỗi dịch vụ du lịch cộng đồng vừa đa dạng vừa bổ trợ cho nhau.

Còn theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Golden T Travel JSC, Làng VHDL cần tạo cho mình diện mạo mới, sao cho thật đẹp - độc - lạ để mọi người tự động tìm đến. Chẳng hạn, ngoài việc đẩy mạnh các tuần lễ văn hóa hoặc tháng chủ đề văn hóa, cần duy trì thường xuyên các chủ đề về hoa, làng nghề, chợ quê, chợ phiên vùng cao, chợ nổi... “Khách du lịch ngày càng có xu thế trẻ hóa, người trẻ sử dụng mạng xã hội và thích check in nên chú trọng các điểm nhấn về phong cảnh, đa dạng mầu sắc như trang phục dân tộc cho thuê, khu vườn hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, hoa dã quỳ, sông nước miền tây... để du khách chụp ảnh”, ông Thành gợi mở.