Kỳ vọng về quỹ hỗ trợ văn nghệ

Để tiếp sức cho hoạt động văn hóa nghệ thuật vượt qua “khủng hoảng” do Covid-19, nhiều giải pháp từ ngành văn hóa đã được đề xuất. Trong đó mô hình quỹ hỗ trợ được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật đang mong sự ra đời của mô hình quỹ để có sự hỗ trợ hiệu quả hơn.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật đang mong sự ra đời của mô hình quỹ để có sự hỗ trợ hiệu quả hơn.

Điểm tựa nâng đỡ nghệ thuật…

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật (VHNT) quốc gia, quỹ hỗ trợ phát triển VHNT là mô hình phổ biến trên thế giới, không chỉ tài trợ các dự án sáng tạo mà còn hướng tới việc hỗ trợ công chúng, xây dựng các thiết chế văn hóa và phát triển các dự án giáo dục nghệ thuật… Ngay cả Mỹ vốn theo đuổi mô hình “không can thiệp” trong chính sách quản lý văn hóa, tức là nhà nước không xây dựng bất cứ chiến lược hay chính sách văn hóa nào ở cấp quốc gia, không có bất cứ cơ quan quản lý văn hóa nào ở cấp liên bang…, vẫn thành lập Quỹ Nghệ thuật Quốc gia từ năm 1965. Quỹ như một công cụ để bảo đảm việc tạo điều kiện tốt nhất về tài chính cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật, hướng tới mục tiêu đa dạng văn hóa. Ở một số quốc gia như Anh và Pháp, các quỹ quốc gia được thành lập để bảo đảm nguồn hỗ trợ tài chính cho một số lĩnh vực ưu tiên như nghệ thuật cổ điển, di sản, hỗ trợ tiếp cận văn hóa cho các nhóm yếu thế…

Việc hỗ trợ và phát triển VHNT ở nhiều quốc gia còn dựa rất nhiều vào các quỹ tư nhân, TS Bùi Hoài Sơn gợi ý. Còn theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, quỹ hỗ trợ điện ảnh là niềm mơ ước từ lâu của giới làm nghề. Từ các nhà sản xuất phim đến nghệ sĩ tâm huyết, ai cũng mong muốn quỹ được hình thành và có hoạt động thiết thực. Nếu được vận hành tốt, quỹ có thể định hướng cho một nền điện ảnh hay và đẹp, để phát triển một nền điện ảnh chân chính, làm cân bằng lại mặt bằng chung của các dòng phim, bằng cơ chế tài trợ thông qua sự thẩm định của một hội đồng do quỹ lựa chọn và giao phó.

Ước mơ vẫn xa vời

Thấu hiểu những khó khăn các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ phải đối mặt trong dịch bệnh, song Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho rằng, việc lập quỹ lại… không dễ dàng. Bởi việc xây dựng quỹ phải theo luật. Song hiện nay, ngành nghệ thuật biểu diễn mới có nghị định, việc xây dựng luật về nghệ thuật biểu diễn vẫn đang được tiến hành…

Khác với ngành nghệ thuật biểu diễn, quỹ hỗ trợ cho điện ảnh đã được Luật Điện ảnh đưa vào nhưng hơn 10 năm qua, câu chuyện về quỹ vẫn mới chỉ xuất hiện trong các hội nghị, tọa đàm và trong mơ ước của các nghệ sĩ. “Không có tiền thì sao có thể thành lập quỹ”, nguyên Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan đau đáu.

TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, sự ra đời của mô hình quỹ hỗ trợ phát triển VHNT là một vấn đề mang tính thực tiễn và cần thiết ở Việt Nam. Tuy vậy, việc thành lập và vận hành quỹ đòi hỏi một hệ thống đồng bộ, nói theo cách khác là một môi trường mà trong đó Nhà nước với vai trò định hướng và các tổ chức VHNT, công chúng và các doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia vào các quyết định của việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn tài chính cho phát triển VHNT.

Theo đó, nên tạo ra một cơ chế hấp dẫn để khuyến khích sự đầu tư của xã hội, doanh nghiệp và những cá nhân quan tâm đến VHNT. Cùng với đó, việc thực thi cơ chế tuyển chọn, đánh giá và phân bổ tài chính minh bạch với sự tham gia đa dạng của các nghệ sĩ và các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn cũng đóng vai trò quan trọng trong điều hành hoạt động của mô hình quỹ. Khi ấy, quỹ sẽ đem lại những động lực mới cho sự phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.