Kỳ vọng cho văn nghệ trong bối cảnh mới

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ X vừa mở ra một nhiệm kỳ với những thuận lợi cũng như thách thức mới cho sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới. Thời Nay xin giới thiệu một số ý kiến góp ý cho hoạt động Liên hiệp của một số văn nghệ sĩ. 

Văn hóa nghệ thuật được kỳ vọng sẽ có bước phát triển rực rỡ. Ảnh: LÊ MINH
Văn hóa nghệ thuật được kỳ vọng sẽ có bước phát triển rực rỡ. Ảnh: LÊ MINH

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam):

Kỳ vọng cho văn nghệ trong bối cảnh mới -0
 

“Rõ nhất, đó là sự chuyển giao thế hệ”

Nhìn qua các hội văn học nghệ thuật (VHNT), có thể nhận ra một điều không thể khác được, đó là sự chuyển giao thế hệ. Thành công của các hội chuyên ngành T.Ư đem tới thành công cho Đại hội của Liên hiệp, đó cũng là một sự tiếp tục chuyển giao hết sức an lành, tạo ra niềm tin mới, hy vọng mới.

Đặc biệt là mỹ thuật, không cứ phải vịn vào bức tranh toàn cảnh thì mỹ thuật Việt Nam vẫn có lộ trình riêng, hệt như hồi thập niên 80 của thế kỷ trước. Tôi cho rằng, khi đất nước bước vào Đổi mới, thì mỹ thuật ngay từ những năm 1980 đã có sự chuyển mình. Lần này, khi chúng ta vừa bước vào một thập niên mới, thì chính là tín hiệu vui cho mỹ thuật Việt Nam để chuẩn bị bước vào cuộc đổi mới lần thứ hai. Bởi vậy, tôi nghĩ tâm thế của các thế hệ họa sĩ đều đã chuẩn bị cho điều này và họ sẽ tiếp tục thực hiện câu chuyện ấy. Tức là chúng ta sẽ thấy một không khí mới của mỹ thuật, khi xuất hiện nhiều tác giả trẻ. Đó chính là năng lượng mới để làm nên một bức tranh khác cho mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam không chỉ quy tụ các hội VHNT địa phương ở 63 tỉnh, thành phố mà vai trò đòn bẩy, thúc đẩy cho bức tranh VHNT toàn cảnh của Việt Nam tốt lên lại cũng phải liên quan đến 10 hội chuyên ngành T.Ư, vì đấy là “máy cái” để thúc đẩy sự thay đổi và phát triển.

Nhà thơ Vương Tâm

Kỳ vọng cho văn nghệ trong bối cảnh mới -0
 

“Đưa tác phẩm giá trị đến cộng đồng”

Mỗi năm, hàng chục tác giả ở các lĩnh vực được nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã có những tác phẩm giá trị được quan tâm. Đây là niềm khích lệ kịp thời.

Không ít tác phẩm đã được dư luận đánh giá cao. Ngược lại, khá nhiều cuốn sách lại chưa được bạn đọc biết tới hoặc xuất hiện tranh luận trái chiều. Cũng có trường hợp, trong từng ngành chuyên môn đã có những tác phẩm được đánh giá cao và nhận phần thưởng nhưng lại mờ nhạt trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đó cũng là điều tự nhiên trong quá trình hoạt động VHNT. Nhưng hiện tượng này để kéo dài quá lâu tạo nên môi trường sinh hoạt VHNT còn phần nào nghèo nàn trong nhiều năm nay. Từ đó nhiều câu hỏi được đặt ra và có sự nghi vấn về công việc trao giải thưởng.

Theo tôi, việc những tác phẩm hay và có giá trị phần nào bị “nhập kho” có trách nhiệm phần lớn ở công việc tuyên truyền và phổ cập với cộng đồng bạn đọc và khán giả. Cần có những bộ phận làm truyền thông quảng bá đến bạn đọc và khán giả một cách phổ cập hơn bằng nhiều hình thức như giới thiệu, trưng bày tác phẩm, dàn dựng sân khấu trích đoạn, hoặc chiếu phim ra rạp… Thông qua các chuyên gia hay những nhà lý luận phê bình nổi tiếng cùng những nhà truyền thông chuyên nghiệp, cần có trách nhiệm định hướng dư luận. Mỗi tác phẩm VHNT đều hình thành từ thực tiễn. Vậy nên chúng cần phải được trả về đời sống với vẻ đẹp chắt lọc và đáng yêu vốn có của nó qua tài năng của tác giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Kỳ vọng cho văn nghệ trong bối cảnh mới -0
 

“Cần quan tâm đến bộ phận sáng tạo trẻ”

Có thể thấy đời sống VHNT, xã hội, kinh tế chính trị rất phong phú và đa dạng nên vai trò của VHNT trong giai đoạn mới, mà chúng ta gọi là thời đại công nghệ 4.0 sẽ có những thuận lợi cũng như khó khăn. Tôi thấy rằng, đại hội cũng đã “đọc ra” những vấn đề về VHNT trong giai đoạn mới, với những khó khăn và thách thức.

Tôi mong trong nhiệm kỳ này, Liên hiệp tiếp tục phát huy các tiềm năng sáng tạo của hơn 40 nghìn hội viên trên toàn quốc; khuyến khích sự sáng tạo đó hướng tới đại bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ. Làm được điều đó thì Liên hiệp thật sự sẽ có vị trí vững chắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Cũng rất mong các hội VHNT đặc biệt quan tâm đến bộ phận sáng tạo trẻ, thu hút những anh chị em văn nghệ sĩ có tài năng đang hoạt động tự do chưa trực thuộc các tổ chức hội nghề nghiệp nào. Hội tụ lại để có sự giao lưu trong giới với nhau, cùng có chung một con đường, chung một định hướng nhằm sáng tạo ra những tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội và đóng góp cho đời sống VHNT thêm phong phú, theo đường lối phát triển VHNT của Đảng và Nhà nước.

NSNA Nguyễn Tuyết Minh (Hội NSNA Việt Nam)

Kỳ vọng cho văn nghệ trong bối cảnh mới -0
 

“Tạo điều kiện quảng bá hình ảnh đất nước”

Nhìn các gương mặt mới trong BCH Liên hiệp rất có triển vọng, tôi mong rằng sẽ có sự thay đổi mới trong cách làm việc lẫn tư duy. Trong nhiệm kỳ mới, BCH nên tổ chức những chuyến đi sáng tác liên ngành cho các hội T.Ư để anh em giao lưu hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ ý tưởng, tạo ra những tác phẩm sinh động, bám sát cuộc sống.

Như ở Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, thỉnh thoảng vẫn tổ chức những cuộc sáng tác liên ngành. Các nghệ sĩ có dịp trao đổi ý tưởng với nhau, ý thơ thành các tác phẩm nhiếp ảnh, ngược lại bố cục của nhiếp ảnh lại truyền cảm hứng cho sáng tác của nhà thơ, nhà văn thậm chí cả biên kịch, quay phim nữa. BCH Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nên có sự kết nối với các ngành nghề, địa phương khác nhau để anh chị em văn nghệ sĩ có điều kiện tiếp cận tốt, nắm bắt sâu rộng vấn đề nhằm sáng tạo những tác phẩm có chất lượng.

Tôi hy vọng Liên hiệp sẽ chú trọng hơn nữa đến giới nhiếp ảnh, đặc biệt là với nữ nhiếp ảnh gia và tạo điều kiện cho các hoạt động của các nữ nhiếp ảnh gia trên toàn quốc. Nên tổ chức những cuộc sáng tác cho các nhiếp ảnh gia về các đề tài theo định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, đặc biệt như vùng biển đảo, để anh chị em có những tác phẩm tốt nhằm quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước rộng khắp trên thế giới.