Khuyến đọc sách hay để loại bớt sách dỏm

Đó là chia sẻ của Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Giáo dục IRED, thành viên Hội đồng Trao giải Giải sách hay (GSH) 2020 khi nói về tầm nhìn 10 năm tới của hoạt động văn hóa quy mô này. 

Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn phát biểu ý kiến tại GSH năm 2020.
Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn phát biểu ý kiến tại GSH năm 2020.

Một giải thưởng… lạ kỳ

Nói là giải nhưng GSH không có thưởng, chẳng hiện vật cũng không có hiện kim. Thế nhưng, điều khiến nhiều người ngạc nhiên hơn là từ khi xuất hiện năm 2011 đến nay lần tổ chức nào GSH cũng được chào đón nồng nhiệt. 

Theo ông Giản Tư Trung, GSH ra đời nhằm chọn lựa, quảng bá, lan tỏa tri thức từ những cuốn sách chất lượng, đồng thời qua đó góp phần cổ vũ cho những xu hướng làm sách, viết sách, dịch sách và đọc sách tiến bộ: “Nhiều người nói người Việt ít đọc sách. Tôi chưa đồng ý với quan điểm này. Ngày xưa người Việt ít có sách để đọc, nhưng ngày nay chúng ta lại rơi vào cảnh nhiều sách quá không biết đọc sách gì. Một trong những cách để có sách hay hiệu quả là chúng ta phải có những “màn lọc” để tăng thêm động cơ đọc và tăng thêm lòng tin vào những cuốn sách độc giả cầm trên tay. Tôi thấy vui vì 10 năm qua, GSH vẫn còn sức sống, vẫn phát triển để góp phần vào việc này. Nghe thì rất bình thường nhưng đối với chúng tôi đây là điều rất lớn lao”. 

Mùa giải đầu tiên năm 2011 có cuốn “Khuyến học”, cuốn sách của tác giả người Nhật Fukuzawa Yukichi (dịch giả Phạm Hữu Lợi). Trước đó, “Khuyến học” được phát hành tại Việt Nam với 1.000 bản in nhưng mãi không bán được phải xếp kho. Thế nhưng sau khi được xướng tên tại GHS năm đó, đến nay đầu sách giá trị này đã được tái bản vài chục lần với số lượng phát hành kỷ lục. Hay cuốn “Bàn về tự do” của dịch giả Nguyễn Văn Trọng. Thời gian đầu, khi được NXB Tri Thức phát hành 1.000 bản, tác phẩm này cũng chẳng được nhiều người biết đến. Vậy mà sau khi đoạt được GSH, tác phẩm đã qua gần chục lần tái bản. Và còn rất nhiều đầu sách giá trị khác đã được giới thiệu đến độc giả ở nhiều hạng mục. Có những năm, một số hạng mục vắng sách trao giải vì không tìm được tác phẩm đúng tiêu chí. Các thành viên hội đồng trao giải của GSH cho rằng, họ không thể vì muốn lấp đầy các hạng mục mà chấp nhận vinh danh một đầu sách chưa phù hợp hoặc chưa thật sự xứng đáng. Đó là quy tắc khắt khe được gìn giữ suốt 10 năm qua. 

Tiếp tục hành trình khuyến đọc

GSH năm 2020 tiếp tục vinh danh 15 tựa sách xuất sắc với bảy hạng mục. Hạng mục Sách Nghiên cứu gồm tác phẩm “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” và dịch phẩm “Sự kiến tạo xã hội về thực tại”. Hạng mục Sách Giáo dục gồm tác phẩm “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” và dịch phẩm “Biện hộ cho một nền Giáo dục Khai phóng”. Hạng mục Sách Kinh tế gồm tác phẩm “Thần kỳ Kinh tế Tây Đức” và dịch phẩm “Sự giàu và nghèo của các dân tộc”. Hạng mục Sách Quản trị gồm tác phẩm “Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh” và dịch phẩm “Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hạng mục Sách Thiếu nhi gồm tác phẩm “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” và dịch phẩm “Hành trình của cá voi”. Hạng mục Sách Văn học gồm tác phẩm “Bộ sách Từ Dụ Thái Hậu” và dịch phẩm “Chết chịu”. Hạng mục Sách Phát hiện mới gồm tác phẩm “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn” cùng hai dịch phẩm “Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi” và “Những tìm sâu Triết học”.

Đến nay, GSH đã thể hiện được uy tín của mình khi góp phần vinh danh tổng cộng 135 tựa sách, trong đó có 68 tác phẩm, 67 dịch phẩm, đưa các đầu sách thật sự hữu ích đến gần hơn với người đọc trên cả nước. Vài năm trở lại đây, hạng mục Phát hiện mới đã tạo thêm nét đột phá, thu hút đông đảo học giả, trí thức, chuyên gia hàng đầu cả nước. Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn, thành viên Hội đồng Trao giải GSH nhiều năm nay cho rằng, mặc dù chưa thể khái quát hết các tác phẩm có giá trị trên thị trường hiện nay nhưng Hội đồng luôn nỗ lực hết mình để giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm thật sự hay và cần thiết trong từng giai đoạn. “Nếu như năm đầu tiên chúng tôi muốn khai quật, giới thiệu những tác phẩm, dịch phẩm có giá trị nhưng bị lãng quên thì từ năm 2012 trở đi phần lớn những tác phẩm, dịch phẩm được tôn vinh là những tác phẩm tương đối mới hoặc đang tác động tích cực đến xã hội”, ông Sơn cho biết thêm.

Duy trì những kết quả đạt được và tiếp tục hành trình khuyến đọc là tầm nhìn mà GSH đặt ra trong thập kỷ tiếp theo. Tất cả sách được trao giải phải thể hiện được tinh thần khai phóng của con người, xã hội. Ban tổ chức GSH cho biết mục tiêu của họ không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực khuyến đọc sách hay mà còn nỗ lực để khuyến đọc sách thật. Vì khuyến đọc sách thật là cách tốt nhất để giết chết sách giả.