Khi nhà văn tự bán sách

Với các nhà văn, nhà thơ, tác giả viết sách không phải bao giờ cũng được các đơn vị xuất bản đầu tư in ấn. Nhiều người phải tự bỏ tiền đầu tư, rồi tự truyền thông, quảng bá để trực tiếp bán tác phẩm của mình hoặc qua facebook.

Nhà văn Phương Huyền (áo đen) trong một buổi ra mắt sách.
Nhà văn Phương Huyền (áo đen) trong một buổi ra mắt sách.

Điều kiện từ môi trường mở 

Không phải đến bây giờ các nhà văn, nhà thơ, tác giả trẻ mới quảng bá và bán sách. Từ nhiều năm trước không ít người đã tự in, ngoài tặng bạn bè thì mang ký gửi ở các nhà sách, nhờ bán. 

Từ hơn 5 năm qua, công nghệ số phát triển, hoạt động quảng bá và bán sách trên facebook đã diễn ra khá sôi nổi, như các tác giả Trần Thị Nhật Tân, Nguyễn Phong Việt, Thiên Sơn… Mấy năm trở lại đây, nhiều tác giả cũng nắm bắt lợi thế của mạng xã hội để đưa đứa con tinh thần của mình đến với công chúng như Võ Diệu Thanh, Phương Huyền, Tống Phước Bảo, Hoàng Đăng Khoa, Tuyền Nguyễn, Mẫu Đơn, Nguyễn Hải Yến, Phát Dương, Hoàng Khánh Duy, Nguyễn Trung Nguyên, Vũ Thị Thanh Hòa, Nguyễn Xuân Hòa, Đặng Thiên Sơn, Nguyễn Tam Mỹ… Nhiều cuốn sách được in bìa khá đẹp, với những dòng viết giới thiệu nóng hổi được giới thiệu nhiều lần trên facebook, kèm sự hồi hộp đợi chờ.

Tác giả xuất bản nhiều phải kể đến Võ Diệu Thanh với tập ký “Về từ hành tinh ký ức”, “Bờ vai cho cả bờ vai”, biên khảo “Muôn dặm sầu giăng”, tiểu thuyết “Viên đạn về trời”. Hay nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa với tập phê bình “Phiêu lưu chữ”, “Song hành và đối thoại”, “Đứng về phe cái khác”, cùng tập thơ “Khát vọng mùa” được in nhằm bán để gây quỹ học bổng. Tác giả Phương Huyền cùng Trúc Thiên viết chung “Người bình thường tử tế” cũng được quảng bá và bán khá chạy. Riêng Phương Huyền có “Không gì là mãi mãi”, “Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình”… 

Nhà văn Phương Huyền nhận định: Thị trường sách bây giờ quá rộng. Việc in một cuốn sách bây giờ không khó như trước. Mỗi tuần chúng ta không thống kê được có bao nhiêu cuốn sách lên kệ, không phải cuốn sách nào ra mắt bạn đọc cũng được NXB làm truyền thông. Viết là một cách trải lòng, cách chia sẻ... tùy theo thể loại. Dù là gì thì người viết cũng đều mong tác phẩm đến được bạn đọc. Vậy thì chia sẻ trên facebook là một cách để giới thiệu đứa con tinh thần. Hầu như bây giờ tác giả nào cũng làm việc đó. Nhà thơ Đặng Thiên Sơn nhìn nhận: “Những năm gần đây có nhiều tác giả tự bỏ tiền túi ra để in sách sau đó tự phát hành. Điều ấy cho thấy có một số tác giả vì không chấp nhận được mức trả nhuận bút quá thấp của những nhà làm sách như hiện nay nên muốn tự mình phát hành để mong có được lợi nhuận cao hơn và thực tế là có nhiều tác giả đã thành công trong việc này. Cũng có người vì nhà sách, NXB trả nhuận bút bằng sản phẩm nên số sách nhận về, ngoài tặng cho bạn bè thân thiết còn mang ra bán”. 

Để bạn đọc có trách nhiệm hơn với người cầm bút

Việc bán sách của cá nhân, với một số tác giả có sức ảnh hưởng, thông qua facebook đã mang tới những hiệu quả tích cực. Không chỉ tác giả chia sẻ sách của mình, mà bạn đọc cũng giới thiệu, viết cảm nhận khi tâm đắc cuốn sách đó. Thậm chí một đoạn, một câu trong bài viết cũng giúp người khác tò mò tìm đến với cuốn sách. Nắm rõ điều đó nên một số tác giả đã làm khá tốt. Nhà văn Phương Huyền bày tỏ: “Bản thân tôi cũng thấy kênh facebook hiệu quả với việc truyền thông sách của mình. Là phóng viên, biên tập Đài tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH), tôi có một lượng thính giả không nhỏ theo dõi. Họ cũng chính là độc giả của tôi. Nên hầu như cuốn sách nào của tôi ra cũng nhận được sự quan tâm. Cuốn sách đầu tiên tôi chia sẻ và bán trên facebook - “Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình” đã bán được hơn một nghìn cuốn. Sau đó, với những cuốn khác tôi vẫn tiếp tục chia sẻ và luôn có nhiều độc giả mua qua facebook”.

Có một điều, sách là sản phẩm làm ra để bán nhưng là sản phẩm đặc thù. Khi một nhà thiết kế làm ra một cái máy tính họ có thể nói tính năng ưu việt của máy tính, khách hàng có thể chấp nhận dễ dàng. Nhưng nhà văn, nhà thơ thì thường phải nhờ vào lời giới thiệu của các nhà phê bình, báo chí hoặc bè bạn. Bởi có một điều khó là nếu tác giả nói cho đúng ý để quảng bá thì dễ bị coi là không còn khiêm tốn nữa, độc giả không chấp nhận những nhà văn, nhà thơ tự đề cao mình. Nếu nói hạ xuống thì độc giả sẽ thấy nó cũng na ná những cuốn khác. Công việc bán sách vì thế, còn phụ thuộc đáng kể vào sự tự tin và kiên trì của tác giả. Nhà văn Nguyễn Hải Yến, hiện đang dạy học tại Hải Dương, cho biết, chị không ngại bán sách do mình viết, bởi đó là cách “cộng sinh” với đơn vị xuất bản, phát hành và công việc của chị cũng nhằm mong bạn đọc có trách nhiệm hơn với người cầm bút. Hiện chị đang bán tập truyện ngắn “Hoa gạo đáy hồ”, giá 89 nghìn đồng/cuốn. Hằng ngày, các tin nhắn mua sách đều đặn gửi về, chị lại ghi địa chỉ từng người rồi gửi sách qua đường bưu điện.

Nhiều tác giả hiện coi việc viết lách là niềm vui, chuyện bán có lãi hay không chẳng quan trọng, miễn là được sáng tác, được bè bạn chia sẻ, tác phẩm xuất bản có người đón nhận. Thế nhưng không ít người đã có lãi và dùng số tiền đó vào mục đích nhân văn, làm từ thiện. Theo thời gian, sẽ còn nhiều tác giả nữa nắm bắt và tận dụng cơ hội của “kênh” phát hành trên facebook. Xét cho cùng, sáng tác là công việc nhọc nhằn và việc in, tự phát hành tác phẩm của mình cũng là công việc chính đáng, đòi hỏi phải đổ nhiều mồ hôi.

Tác giả Vũ Thị Thanh Hòa: Việc bán sách còn mang lại sự trải nghiệm, tạo niềm vui riêng và gặt hái được nhiều câu chuyện khá thú vị cho người cầm bút. Nhà văn bán sách, điều này cho thấy sự năng động, phù hợp xu thế hiện nay khi sự phát triển của thời công nghệ thông tin đã mở ra nhiều thuận lợi, giúp các nhà văn quảng bá, phát hành sách của mình một cách thuận lợi hơn, lan tỏa đến rộng rãi bạn đọc.

Tác giả Nguyễn Đặng Thùy Trang: Hiện rất nhiều sản phẩm khác cũng được biết đến nhờ mạng xã hội. Và còn tùy thuộc vào độ phủ sóng của những cây bút ấy mà tác phẩm có đến được với nhiều bạn đọc hay không. Đó là cách rất hay cần được mỗi tác giả tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng sáng tác của mình.