Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý

14 giờ chiều nay 23-11, cuộc trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” sẽ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). 

Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý

Sự kiện giới thiệu các bức ảnh cổ thời Pháp chụp kiến trúc chùa Một Cột, ảnh chùa bị đánh sập năm 1954, ảnh phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, ảnh hiện vật của các bảo vật quốc gia như tượng Phật chùa Phật Tích (1057). Cùng với đó là phiên bản cột đá chùa Dạm (1094), Bia Sùng Thiện Diên Linh (1121) và các hiện vật thời Lý khai quật tại Hoàng thành Thăng Long.

Ngoài ra, một số mô hình hiện vật và kiến trúc thời Lý, như đầu rồng (xi vẫn trên nóc mái cung điện), lá đề song long hiến châu… cũng được giới thiệu. Không gian chính sẽ trưng bày tranh 3D, phim 3D, mô hình phỏng dựng kiến trúc một cột và chùa Diên Hựu thời Lý. 

Kỷ niệm 50 năm cầm bút

Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý -0
 

NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt tuyển tập truyện ngắn và tản văn “Câu hỏi trẻ thơ”, kỷ niệm 50 năm ra đời truyện ngắn đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của nhà giáo - nhà văn Lê Phương Liên. Bà từng tốt nghiệp sư phạm Toán Lý và đi dạy học. Truyện ngắn đầu tay của bà - “Câu hỏi trẻ thơ” viết năm 1970 đã đoạt giải nhì cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa” do Bộ Giáo dục tổ chức. 

Cuốn sách tập hợp 25 truyện ngắn và 25 tản văn, tuyển chọn từ các tác phẩm được giải thưởng trong các cuộc thi, được in báo và các tuyển tập sách đã xuất bản. Mở đầu là truyện ngắn đầu tay viết năm 1970 và khép lại bằng tản văn “Mùa xuân corona” với những trăn trở trong năm 2020 nhiều biến động. 

Lâu bền cùng thời gian 

Với mong muốn lưu giữ, lan tỏa giá trị âm nhạc của vùng đất Hà Tây trước kia, nay đã trở thành một phần của Thủ đô Hà Nội, mới đây nhà báo, nhạc sĩ Fan Fương (hiện công tác tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Hà Tây xưa dòng sông âm nhạc vẫn mênh mang” (NXB Dân trí). Cuốn sách đã tập hợp có hệ thống 116 ca khúc của nhiều tác giả sáng tác về Hà Tây trước kia qua các thời kỳ, trong đó có những ca khúc rất đỗi gần gũi, quen thuộc như: “Hà Tây quê lụa”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, “Về Hà Tây đi em”… Mỗi ca khúc với những nét đẹp riêng, ý nghĩa riêng đã góp phần tô điểm vào “vườn hoa âm nhạc” đầy hương sắc của vùng đất bên dòng sông Đáy. Những ca khúc vẫn có sức sống lâu bền cùng thời gian và là niềm tự hào lớn lao của người dân quê lụa.