Kết nối phê bình trẻ

Lớp bồi dưỡng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) T.Ư được tổ chức với cách làm mới bước đầu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hưởng ứng. Lớp bồi dưỡng đã khép lại, nhưng từ đây gợi ra vài hướng mở.

Buổi trao đổi của nhà thơ Trần Đăng Khoa về phê bình thơ.
Buổi trao đổi của nhà thơ Trần Đăng Khoa về phê bình thơ.

Tương tác hai chiều

Các chuyên đề của lớp bồi dưỡng “Nâng cao trình độ LLPB VHNT” diễn ra tại Ninh Bình trong năm ngày đã được tổ chức theo hướng: kết hợp phần trình bày của báo cáo viên với trao đổi của các học viên, hỏi đáp giữa hai bên. 

Có thể “mượn” cảm nhận của PGS,TS Phạm Quang Long, một trong các báo cáo viên để khái quát về không khí lớp bồi dưỡng: Những tác giả thuộc thế hệ trước như Vũ Quần Phương, Lê Thành Nghị, Phan Trọng Thưởng, Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Khoa, Trần Thanh Hiệp, Trần Hữu Việt, Phạm Khải... thuyết trình nhiều vấn đề hay: kinh nghiệm tổ chức các bài viết phê bình thơ, văn xuôi, điện ảnh, tác phẩm viết về lịch sử, tiếp nhận các lý thuyết mới, văn hóa tranh luận, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông. Vừa thuyết trình, vừa hỏi đáp, trao đổi, tranh luận..., diễn ra sôi nổi, thể hiện rõ cả những trao đổi về học thuật lẫn kinh nghiệm xử lý thực tiễn. Các báo cáo viên cũng tham gia tranh luận với anh chị em tham dự, thẳng thắn, dân chủ và cầu thị. 

Còn nhà phê bình Bùi Việt Thắng cũng chia sẻ: Ngoài chuyên đề của mình, tôi dự và ghi chép được rất nhiều thông tin cần thiết. Có bạn còn tưởng tôi là một học viên.

Với nhiệt tình góp vào không khí chung, một số buổi lên lớp đã diễn ra theo hướng tọa đàm và gợi được nhiều chia sẻ sinh động, chạm đến những thực tế đang diễn ra trong đời sống VHNT, từ đó gợi ra những định hướng tích cực. Như tránh sự cực đoan, lạm dụng trong việc áp dụng các lý thuyết LLPB VHNT từ nước ngoài mà cần vận dụng uyển chuyển trong phê bình tác phẩm văn học ở Việt Nam; duy trì tốt và rõ ràng trong mối liên hệ giữa tòa soạn với tác giả LLPB VHNT trong việc tổ chức các trang viết phê bình; đúng mực khi phê bình, tranh biện trong bối cảnh có nhiều thái độ tiêu cực khi phê bình văn nghệ hiện nay; tỉnh táo khi thẩm bình tác phẩm văn học đề tài lịch sử để tránh sự đồng nhất và quy chụp từ góc nhìn lịch sử; đề cao và đòi hỏi trách nhiệm của người phê bình trong việc định hướng khán giả điện ảnh… Theo đánh giá của ban tổ chức, thì đây là một lớp bồi dưỡng thành công và để lại những kinh nghiệm tốt nhằm tiếp tục mở lớp theo hình thức tương tác, tọa đàm. PGS, TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT T.Ư, một trong các báo cáo viên cho biết, các bài giảng mà báo cáo viên chuẩn bị sẽ có tính “mở” hơn nữa để thích ứng với việc tăng cường trao đổi. 

Nhiều vấn đề thiết thực

Trong khó khăn chung do phòng, chống dịch Covid-19, lớp bồi dưỡng lần này đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 50 học viên là các nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà báo, người sáng tác… đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, hội VHNT địa phương, một số báo, tạp chí thuộc nhiều tỉnh, thành phố, hầu hết là các gương mặt trẻ. Nhiều người có thâm niên nghiên cứu, giảng dạy, nhiều tác giả đã được chú ý. Nhiều học viên đã chia sẻ hứng thú với cách làm mới lần này. Ngay trong và sau lớp học đã có một số kết nối về công việc giữa các học viên, như một mục tiêu mà ban tổ chức đã đề ra. Nhìn rộng hơn, tương tác của các học viên cho thấy nhu cầu kết nối không nhỏ của phê bình trẻ hiện nay. 

Thực tế, không còn như nhiều năm trước, khi gặp gỡ tại các hội nghị, hội thảo, người làm phê bình mới có dịp trực tiếp trao đổi học thuật, giao lưu nghề nghiệp. Hoặc không chỉ qua các diễn đàn như tạp chí chuyên ngành, báo chí văn nghệ xuất bản định kỳ, các nhà phê bình, các tác giả mới có thể theo dõi đồng nghiệp để hưởng ứng hay trao đổi, tranh luận. Mà nhờ sức lan tỏa của không gian mạng, nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực, công việc LLPB VHNT đã được người trong nghề chia sẻ, bình phẩm thường xuyên. Sự tương tác, liên hệ giữa các nhà phê bình trẻ không còn khó khăn nữa. 

Tuy nhiên, cần thấy rằng, nếu tích cực thúc đẩy các mối liên hệ của phê bình trẻ, với tính tổ chức và các chương trình cụ thể, thì sẽ tạo nên những xúc tác thiết thực. Ở đó, các tác giả có thể trao đổi, chia sẻ quan điểm chung quanh những vấn đề, hiện tượng văn nghệ nổi bật; đưa ra những gợi mở về đề tài, những mối hợp tác mới, nhất là khi các nhà phê bình trẻ đang ở nhiều cơ quan, địa phương khác nhau. 

Đồng thời, các nội dung bàn thảo cũng nên mở rộng, không chỉ ở khía cạnh chuyên môn, mà nên bàn đến những vấn đề chính sách, cơ chế. Ở đây, có lẽ chia sẻ và đề xuất thiết thực hơn cả chính là những người trong cuộc. Từ đó đi đến những kiến nghị cụ thể với các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ người làm công tác LLPB VHNT trong bồi dưỡng chuyên môn, đi thực tế, nghiên cứu, công bố bài viết, ấn hành và quảng bá tác phẩm… 

Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, không nên quá câu nệ vào chuyện tính đếm, hoặc xác định đã in sách thì chủ yếu để tặng, lấy nhuận bút bằng sách, chứ không mong bán hoặc thu được chút lợi nhuận - mà nếu có cũng chỉ mang tính “động viên”. Thay đổi cách nghĩ quen thuộc không thể nhanh chóng, cũng như cá nhân người làm nghề không thể đủ sức sáng tạo. Nhưng ở vai trò tư vấn cho các cơ quan chức năng, bồi dưỡng, hỗ trợ đội ngũ làm nghề, đồng thời có được các điều kiện nhất định về tài chính, cơ chế, cơ quan báo chí, xuất bản…, thì các tổ chức nghề nghiệp, hội đồng chuyên môn cần lưu tâm nhiều hơn đến những vấn đề trên.