Hứng thú vẽ ở Tam Thanh

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thượng Hỷ nhiều năm công tác trong ngành bảo tàng của tỉnh Quảng Nam. Ông còn sáng tác hội họa và tham gia liên tục các trại sáng tác bích họa, vẽ thuyền thúng tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) từ 2016 đến nay. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông ngay tại hiện trường bức bích họa lớn, cao 7 m, dài 15 m, thực hiện tại thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh trong dự án mới nhất vừa diễn ra ở đây.

Hứng thú vẽ ở Tam Thanh

Phóng viên (PV): Lý do nào khiến ông thích thú tự tham gia việc sáng tác bích họa tại Tam Thanh trong 5 năm trở lại đây?

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (NTH): Cách đây bốn năm (2016), tôi biết qua một tin ngắn trên báo chí, có một nhóm họa sĩ Hàn Quốc sẽ vẽ tranh bích họa ở Tam Thanh. Bây giờ Tam Thanh đã nổi tiếng khắp nơi, người ta cứ gọi nôm na là “làng bích họa Tam Thanh” thì không đúng đâu. Đó là xã Tam Thanh (thuộc 13 phường, xã trực thuộc thành phố Tam Kỳ) và có bốn thôn Hòa Thượng, Hòa Trung, Hòa Hạ và Tỉnh Thủy thôi. Và tôi là người xuống trực tiếp tham gia, chọn mảng tường nhà tôi thích, vẽ luôn cùng nhóm họa sĩ tình nguyện viên Hàn Quốc sang lần đầu tiên, già trẻ đủ cả. Người già nhất là một họa sĩ 73 tuổi, thường trò chuyện với tôi…

PV: Người họa sĩ Hàn Quốc cao tuổi nhất đó, đã tâm sự điều gì khi đến Việt Nam, làm ông ấn tượng?

NTH: Nghe thì giản dị, nhưng thật sự sâu sắc. Họ huy động các “họa sĩ salon” có tranh bán giá cao, vẽ tại nhà, trở thành nhóm “họa sĩ volunteer” sang đây vẽ bích họa lên tường nhà những hộ nghèo để kích thích, thu hút du lịch, để kinh tế thôn làng phát triển lên. Với mục đích này, họ đã từng thực hiện thành công tại một làng quê nghèo ở chính nước họ.

Những bức tranh lần đầu, họ vẽ luôn từ ảnh chân dung người và các sinh vật thân quen trong làng. Những cô gái làng bận áo dài đội nón, tay nâng hoa sen, lá chuối. Các trẻ em làng, thậm chí cả đội bóng chuyền thiếu niên ở bãi biển... Hoặc có bức vẽ cô thợ may đang may ngoài tường dọc đường, nhưng sống động bởi người may… đang ngồi ngay trong nhà gần đó. Họ vẽ lại đời sống trực tiếp, cực thực, người làng thấy rất vui đã đành… Nhưng du khách đi qua đều hứng thú dừng lại xem, chụp ảnh. Dân làng có thể kiếm thêm bằng cách giữ xe, bán ly nước ngọt mía, cam, chanh. Những tranh này có khả năng tương tác với người sống rất cao. Thí dụ, bức vẽ một thiếu nữ đưa tay ra trao bó hoa. Thì người sống tranh nhau thò tay nhận bó hoa đó và chụp lại. Một bức khác vẽ hình cô bé đang bắt bướm, thì người thật cũng thò tay bắt cùng và sung sướng chụp ảnh... Việc vẽ bích đó, người học họa ai cũng có thể làm theo được, nhất là sinh viên mỹ thuật. Nhưng quan trọng nhất là có sáng tạo được ý tưởng mới mẻ, để “kết nối” giữa người sống thật và hình vẽ không thôi…

Hứng thú vẽ ở Tam Thanh ảnh 1

Một góc không gian sáng tạo mới tại Tam Thanh.

PV: Trong năm trại sáng tác liên tục từ 2016 đến nay. Ngoài hai trại đầu là phía các họa sĩ Hàn Quốc. Thì ba đợt tiếp theo thu hút các họa sĩ tự do, chuyên nghiệp ở miền bắc và các giáo viên mỹ thuật ở địa phương tham gia. Trại sáng tác Tam Thanh 2020 lần này là lần thứ ba (từ 23-5 đến 2-6 thì kết thúc). Tham gia cùng 18 họa sĩ phía bắc và đông đảo tình nguyện viên địa phương. Ông cảm thấy ra sao?

NTH: Hai trại sáng tác Hàn Quốc lần đầu thì chỉ vẽ tường. Khi đến trại của họa sĩ ta thì vẽ thêm lên thuyền nhỏ, đan tre. Ở phía bắc rất ít dùng thuyền thúng đan bằng tre, miền trung thì dùng khá phổ biến, từ Quảng Bình trở vào. Người miền trung đều không lạ, nhưng người miền bắc vào thì rất lạ và thích cái thuyền thúng tròn để vẽ. Nhưng bố cục thị giác của nó cũng là niềm thử thách vui vẻ, bởi vì có thể vẽ trong lòng thúng thì nó cong cong, hoặc úp thúng lại vẽ bên ngoài lại lồi ra. Bề mặt không mịn màng để quết mầu, phải khỏe tay dấp dúi mầu vẽ, thì nó mới thấm vào được vào nan tre. Không có chất liệu sơn tốt, là nó bung mầu ra thì dở. Về thị giác nó cũng “lừa mắt” mình, khi vẽ trên mặt phẳng nó khác, còn hình trên khối cong lồi lõm nó cũng khác đi.

Nhìn từ nghệ thuật bích họa cộng đồng và thẩm mỹ chuyên nghiệp ra sao. Tôi thấy việc đầu tiên là cần có được cái ý tưởng tốt, hay cái đã. Bởi có cái tính chất thẩm mỹ tương tác - kết nối, nó mới hấp dẫn được du khách trong nước và cả nước ngoài đến. Trong trại sáng tác lần thứ ba này, có tới 100 thuyền thúng được bôi, phết lên và khoảng năm bức tường nhà được thực thi bích họa. Ngoài ra, còn có tới ba tác phẩm điêu khắc sắt hàn của các tác giả miền bắc nữa. Hứng thú của tôi là hằng ngày thì vẽ trên bức tường tôi được chọn và hằng tối thì đàm đạo đủ chuyện về văn nghệ và đời sống với các họa sĩ trẻ phương xa…

PV: Xin cảm ơn ông!