“Hết thác ghềnh sông mới thấy mình còn trẻ”

Đó là câu thơ trong bài thơ “Gió thung lũng” của nhà thơ “trẻ nhưng đã già” Nguyễn Giúp. Anh sáng tác thơ khá muộn nhưng dấu ấn thơ là nơi anh đã “nghiệm thu” từ trải nghiệm cuộc đời mình.

Nhà thơ Nguyễn Giúp (bên trái) và nhà văn Đỗ Phấn tại trại viết.
Nhà thơ Nguyễn Giúp (bên trái) và nhà văn Đỗ Phấn tại trại viết.

1. Nhà thơ Nguyễn Giúp sinh năm 1961 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Năm 1980, anh là giáo viên tại huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam. Năm 2000, anh bắt đầu làm thơ. “Gió từ sông thổi lên” là tập thơ đầu tay in năm 2017, đạt giải khuyến khích của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam cùng năm đó. Nói về kết quả này, tác giả cho hay: “Thật sự vui mừng lắm, vui vì là “đầu tay đầu chân” của mình trong “sự nghiệp” sáng tác.

Đường đời rồi “đường thơ”, nào gập ghềnh hơn, Nguyễn Giúp kể: “Tôi làm thơ rất muộn so tuổi đời so những người khác. Năm 2009 tôi mới được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Nam và mãi đến 2017 mới nắn nót ra được một tập thơ. Tôi nghĩ niềm vui của người làm thơ hay viết văn là đón nhận sự phản hồi của người đọc, tức là tác phẩm có dư luận gì, thích thú hay không thích thú. Tác phẩm đạt giải cũng có thể chưa hẳn đã hay nhưng dù sao thì nó vẫn có “tầm vóc” trên cơ sở minh chứng được”.

2. Bài thơ: “Gò Nổi”, “Nhà ngoại tôi trăng lên” đạt giải Nhì cuộc thi thơ “Thơ ca và nguồn cội” lần hai tại làng Chùa - Hà Nội, tổ chức năm 2011 - 2012. Tính đến nay, Nguyễn Giúp đã có 20 năm làm thơ. Anh cho hay, thơ là niềm vui, trại sáng tác văn học là nơi “tiếp lửa”. Vừa trong những ngày dự trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ quân đội tại Phú Yên, anh cho biết: “Mình gặp được nhiều bạn mới từ các nơi về, trại có chừng trên dưới 20 trại viên nên đa dạng về phong cách sáng tác, đa dạng vùng miền, nhất là gặp những người có “tên tuổi”, mình học tập nhiều điều ở họ”.

Nhà văn cảm nhận: với trại viết Văn nghệ quân đội, tôi nghĩ lần nào cũng hay và chu đáo, họ có cách tổ chức tốt về nhiều mặt từ ăn ở đến giao lưu rồi đi thực tế nơi đến. Khi vào thời điểm nhất định họ có tổ chức cho các trại viên trao đổi tác phẩm mới qua email rồi trao đổi, góp ý. Vậy nên, ai cũng có ý thức trách nhiệm cao trong tác phẩm mới của mình một cách tự giác. Cũng trại viết lần này, tôi bất ngờ gặp nhà văn Thái Chí Thanh! Bất ngờ ở chỗ tháng 3-1975 khi quân giải phóng tiến vào Quảng Nam ông ấy là người đến sớm nhất và ông ấy nằm ở làng tôi cả hai ngày. Gặp ông tôi rất thích và chia sẻ được nhiều thứ.

3. Tập chân dung văn nghệ sĩ các vùng miền Quảng Nam mà Nguyễn Giúp phác thảo đã trở thành bản thảo tập trường ca. Anh đã chuyển bản thảo trường ca có tên “Sóng Thu Bồn” của mình cho trại viết. Còn với tập thơ “Thiên nga bay đi” sắp xuất bản, có vẻ như thơ đã tìm được “duyên” với họa. Nguyễn Giúp kể rằng, đây sẽ là tập thơ thứ hai trong sự nghiệp sáng tác thơ của anh, tập này được họa sĩ Bùi Tiến Tuấn ở Hội An, vẽ bìa và minh họa. Đó là sự hữu duyên trong những lần họa sĩ về quê và hai người có dịp “bắt nhịp cảm xúc” sáng tạo khi ngồi cùng nhau lúc trà dư tửu hậu. Có một chi tiết rất hay là lúc Bùi Tiến Tuấn vừa đọc bản thảo vừa vẽ và lúc họa sĩ đang xúc động về một đôi dòng nào đó. “Anh gọi điện thoại cho tôi và anh nói “em cũng cay cay”. Thương thế! Tôi nghĩ giữa văn học và mỹ thuật đều có một tần số nào đó, chỉ đợi một chữ “duyên” mà thôi”, Nguyễn Giúp bộc bạch.

Sau ba năm, tập thơ thứ hai mới sắp ra, Nguyễn Giúp phân trần. Dự định hay ước mơ của anh cũng không có gì to tát. Có điều, khi vừa in xong tập thứ hai thì cũng sẽ là thời điểm anh vừa viết xong một trường ca. Và có lẽ không ngoài những dự định là làm sao tiết kiệm và dành dụm khoản tiền lương hưu hằng tháng để trong thời gian ngắn nhất xuất bản được tập thứ ba này.