Hai tác phẩm đồng hành cùng con

“Chuyện mẹ, Chuyện con” của nhà văn Lê Minh Hà và “Cùng con vượt bão tuổi teen” của nhà văn Phong Điệp là hai ấn phẩm vừa được NXB Kim Đồng ra mắt độc giả.

Hai tác phẩm đồng hành cùng con

Hai cuốn sách gửi gắm những chia sẻ tâm huyết từ chính kinh nghiệm làm mẹ của mỗi nhà văn, trong quá trình đồng hành cùng con, vượt qua rào cản, khoảng cách về tâm lý, văn hóa giữa hai thế hệ. Hai nhà văn - hai người mẹ tâm niệm: Để con luôn được là chính mình, ở phiên bản tốt nhất. Với “Cùng con vượt bão tuổi teen”, nhà văn Phong Điệp có sự kết hợp giữa tư duy của một nhà báo, ngôn ngữ của một nhà văn và cảm xúc của một người mẹ. Tập sách thể hiện qua những câu chuyện được sắp xếp lớp lang - những vấn đề gay cấn được đan xen và có phần càng ngày càng căng thẳng, cuốn hút. Đó là những câu chuyện của con gái nhà văn, của chính chị thuở mới lớn hay những “rắc rối” trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái của những người thân quen chị từng chứng kiến. “Chuyện mẹ - Chuyện con” của nhà văn Lê Minh Hà là những trang viết ở dạng nhật ký, ghi lại những câu chuyện ở nhà, ở trường của tác giả và hai cậu con trai gọi là Cục Xương, Cục Mỡ. Nhà văn cho biết: “Những ghi chép riêng trong cuốn sách này là một cách để người viết hệ thống lại những ghi nhận về giáo dục Đức mà trẻ con đang thụ hưởng, không qua lý thuyết, mà qua cách họ thực hành”.

Triển lãm “Giao điểm thảm họa”

Triển lãm “Giao điểm thảm họa” sẽ bắt đầu tại TP Hồ Chí Minh vào ngày mai 14-2 và kéo dài đến hết ngày 28-3. Đây là triển lãm cá nhân của nghệ sĩ François Andes, giám tuyển bởi nghệ sĩ Luiz Gustavo Carvalho. Được ấp ủ từ năm 2016 và phát triển trong suốt hai lần lưu trú của các nghệ sĩ ở Việt Nam vào năm 2018 và 2019 theo chương trình Villa Saigon của Viện Pháp tại Việt Nam, triển lãm lần này gồm một tổ hợp các tác phẩm: tranh vẽ, hoạt hình, tượng, trang phục, mặt nạ và các bản nhạc sáng tác bởi nhạc sĩ danh giá Samir Odeh-Tamimi (Palestine/Israel) và Sérgio Rodrigo (Brazin).

Quá trình sáng tạo của Andes và Carvalho đưa ra câu hỏi về sự tiến hóa trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là với các hệ sinh thái thủy sinh và rừng rậm, tìm kiếm manh mối giữa vô số những câu chuyện thần thoại để thay đổi thực tại hoặc, ít nhất là, để băng qua nó. Trung tâm của các tác phẩm là một dòng chảy băng qua các vùng lãnh thổ và văn hóa khác nhau. Các nghệ sĩ đã làm rõ sự tương đồng và tính nguyên hợp được tìm thấy ở hình ảnh thể hiện các nam thần và nữ thần gắn liền với dòng nước và rừng rậm trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới. Những dòng sông và cánh rừng trong triển lãm còn phản ánh ranh giới giữa vùng hoang dã và thế giới loài người, vùng đất riêng của Artemis trong thần thoại Hy Lạp, Oxum trong văn hóa Yoruba và các mẫu thần ở Việt Nam.