Giữ “tơ vàng” làng khoa bảng

Làng Lủ, tên chữ là Kim Lũ, nay thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là ngôi làng cổ đặc biệt với nhiều nhà khoa bảng. Đến nay, làng vẫn giữ được nhiều di tích độc đáo, trong đó có bốn nhà thờ danh nhân. 

Gia đình gìn giữ tốt nhà thờ Nguyễn Công Thái ở làng Lủ (phường Đại Kim).
Gia đình gìn giữ tốt nhà thờ Nguyễn Công Thái ở làng Lủ (phường Đại Kim).

Dấu xưa còn giữ 

Ở Hà Nội nhiều năm, càng tìm hiểu tôi càng thấy những bất ngờ trong những ngôi làng nép mình bên sự phát triển đô thị. Một ngày xuân, đến làng Kim Lũ (tơ vàng), dạo bước bên trong khuôn viên những ngôi nhà thờ các danh nhân của làng, nghe kể, làng được lập ra đã hơn 500 năm.

Người khai khoa ở đây chính là cụ Hồng Hạo (1677 - 1749), đỗ Tiến sĩ khoa Canh Dần 1710, đời vua Lê Dụ Tông. Cụ từng cáo quan về nhà 10 năm rồi lại được mời về triều giữ chức Tả Thị lang bộ Hình, khi mất được tặng chức Tả Ngạn bá. Kế tiếp là Tiến sĩ Nguyễn Công Thái (1684 - 1758), đỗ khoa Ất Mùi 1715, đời Vua Lê Dụ Tông. Nguyễn Công Thái là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm. Thấy thầy sống cảnh nhà tre nứa tuềnh toàng, chúa muốn tặng thầy một ngôi nhà ba gian bằng gỗ tốt nhưng mấy lần ngỏ ý thầy đều khước từ. Chúa Trịnh Sâm bèn nghĩ, thầy chưa có từ đường để thờ tổ tiên nên đề nghị cho dựng ba gian nhà tốt. Ngôi từ đường cũng sẽ là nơi thờ thầy khi trăm tuổi. Nể trò hiếu nghĩa, Nguyễn Công Thái đồng ý. Ngôi từ đường gồm ba gian, hai dĩ. Cột, đố vách, rui... đều bằng gỗ lim. Nguyên liệu chính làm vách là rơm ngâm vôi và đất, cát. Từ năm 1789, ngôi nhà được dòng họ Nguyễn lập làm từ đường. Gian giữa thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái, gian bên phải thờ dòng trưởng và gian trái thờ ngoại tổ.

Tiếp đến là Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), đỗ khoa Mậu Tuất 1838, đời Vua Minh Mạng. Khu di tích Nguyễn Văn Siêu được chia làm hai khu vực: khu vực đền thờ và khu lăng mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu. Khu vực đền thờ hiện nay được một người cháu dâu là Nguyễn Thị Phượng (con dâu của cố đạo diễn Tự Huy, cháu gọi danh nhân Nguyễn Siêu là cụ nội) trông coi. Chị Phượng chia sẻ, các cụ đời trước truyền lại ngôi nhà thờ, đến đời bố chồng tôi và sau này là tôi gìn giữ, tôi rất hiểu giá trị của di tích. Giữa phố xá ngờm ngợp, chật hẹp, gìn giữ được một di tích cổ không hề dễ dàng. Hằng năm phải tìm cách chống dột, chống thấm, mối mọt và sửa chữa một vài hạng mục xuống cấp, song lại không được để di tích bị biến dạng. Tôi thấy đó là trách nhiệm nhưng cũng là niềm tự hào.

Nối tiếp truyền thống của làng, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902) đỗ khoa Ất Sửu 1865, đời Vua Tự Đức. Cả bốn nhà khoa bảng được con cháu đời sau lập đền thờ và còn giữ được đến ngày nay, trở thành những di tích độc đáo của phường Đại Kim. GS Sử học Đinh Xuân Lâm từng cho biết: Nguyễn Trọng Hợp là nhà nho yêu nước, một vị quan thanh liêm, chính trực, có uy tín lớn đối với bạn bè đồng liêu và người dân.

Nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp quy hoạch theo hình chữ nhị, quay hướng đông - nam, có tường bao quanh. Trong số những hiện vật còn lại tại di tích, đáng chú ý nhất là tấm bia đá “Thần đạo mộ quan tướng quốc Kim Giang Nguyễn Công”, do Vũ Phạm Hàm biên soạn năm Thành Thái thứ 15, ghi lại thân thế, sự nghiệp và công tích của danh nhân Nguyễn Trọng Hợp.

Ông Nguyễn Trọng Tấn, chắt nội cụ Nguyễn Trọng Hợp, đã trông coi nhà thờ 15 năm qua, chia sẻ: “Trước kia nhà thờ cũng bị hoang phế. Tôi đã cải tạo lại một số công trình, trồng hoa và giờ hoa thơm khoe sắc suốt cả bốn mùa. Trông coi tốt khu này, tôi cảm thấy tổ tiên phù hộ nên được hưởng sức khỏe tốt, con cháu học hành tấn tới”. Ông Hợp chia sẻ thêm, các gia tộc, dòng họ của danh nhân đều “nhìn nhau” để giữ nhà thờ dòng họ, không một phút lơ là.

Chung tay gieo mầm học

Nền nếp của làng bao năm vẫn được bảo lưu. Cổng chính dẫn vào làng sáng rõ hai chữ “quan miện” (mũ quan). Ông Hoàng Cao Thiều, Chi hội trưởng khuyến học họ Nguyễn, cho hay: Ý nói nơi đây là làng tơ vàng, làng “sinh quan đẻ trạng”, cũng là nhắc nhở mọi người đi ra khỏi làng thì gìn giữ lễ nghĩa, tránh gây tiếng xấu cho làng. Đồng thời phải giữ sợi tơ vàng - mạch chảy của tinh thần hiếu học và noi gương người xưa. Điều đó đã được ghi trong hương ước.

Ông Thiều cho biết: Kim Lũ có truyền thống hiếu học và dòng họ nào cũng xây dựng quỹ khuyến học để khuyến khích con em học hành, đỗ đạt, góp phần xây dựng quê hương. Ngày hội khuyến học của làng tổ chức vào dịp hội làng từ mồng 7 đến mồng 9 tháng Giêng hằng năm. Đây thật sự là ngày hội của học sinh, sinh viên và người con của làng. Chúng tôi cũng khuyến khích các cháu về thắp hương trong nhà thờ các danh nhân. Qua những dịp như vậy, làng giáo dục thêm về truyền thống, nhớ công ơn người xưa và nhắc việc bảo vệ di tích.

Ông Nguyễn Cao Thăng, Bí thư Chi bộ thôn Kim Lũ 2, cho biết thêm: Hiện nay, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được nâng cao, di tích được cải tạo. Làng Kim Lũ luôn sống trọn vẹn nghĩa tình, trên kính dưới nhường, theo đúng cái nếp của làng quan trạng xưa. Bà Nguyễn Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim cho biết, việc gìn giữ các nhà thờ danh nhân, di tích không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình, dòng họ, mà còn là trách nhiệm của toàn dân và chính quyền phường Đại Kim.