Giữ nghề giấy bản

1. Tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nghề làm giấy bản đã nổi tiếng từ lâu, phục vụ nhiều công việc trong đời sống người dân như làm sổ sách ghi chép, làm vàng mã, trang trí nhà cửa.

Bà Quyết làm giấy bản truyền thống bằng phương pháp thủ công.
Bà Quyết làm giấy bản truyền thống bằng phương pháp thủ công.

Đến nhà một người dân vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống này tại thôn Nà Mạ là bà Nông Thị Quyết năm nay 58 tuổi, vừa làm việc bà vừa chia sẻ chuyện nghề: “Tôi biết làm giấy bản từ nhỏ, phụ việc bố mẹ, ông bà rồi dần thạo cách làm. Ngày xưa làm nhiều lắm, những lúc nông nhàn thì làm nhiều để chuẩn bị cho ngày chợ, ngày lễ, Tết”. Chúng tôi theo bà Quyết ra đến bờ suối, thấy những tảng đá lớn bị khoét sâu tạo thành một cái chảo lớn. Khi được xem bà làm thì mới biết đó là những bể dùng để khuấy bột giấy đã có từ trăm năm nay. Nhiều bể cỏ mọc um tùm, đã lâu rồi không ai sử dụng.

Bà Quyết trăn trở, nghề rất công phu, tỉ mỉ, vất vả lắm, phải đi lên rừng lấy cây giấy dó bóc sạch vỏ phơi khô rồi đem ngâm nước cho mềm ra khoảng một ngày. Tiếp đó đem ngâm vôi rồi cuốn thành bó nung lên trong một ngày. Nung xong đem rửa sạch, ngâm nước cho mềm và cuối cùng là đập bằng cây cho nát. Rồi nhiều công đoạn nữa mà bán cũng không được giá cao. Chính vì vất vả như vậy mà những người trẻ không mấy ai còn duy trì nghề nữa.

Chúng tôi được xem bà Quyết khuấy bột giấy với cây nhớt trong bể đá cho đến khi hòa quyện với nhau, mầu nước bột nâu sẫm. Bà nhanh tay đưa từng mảng bột lên khuôn một cách đều đặn. Từng mảng mầu trắng đục hiện ra trước mắt. Bột giấy được xếp gọn lên nhau rồi được ép khô trong khoảng hai giờ. Đợi giấy khô sẽ được mang về dán lên tường và cứ thế giấy sẽ hoàn thiện, được xếp thành tệp và đợi ngày đem ra chợ bán. Một tệp giấy được xếp làm 20 tờ có giá 15 nghìn đồng. Hiện nay, thôn Nà Mạ có 70 hộ dân thì chỉ có 10 hộ dân vẫn duy trì nghề làm giấy bản, thu nhập trung bình mỗi năm gần 20 triệu đồng.

2. Chị La Thị Na cũng là một người dân trong xóm Nà Mạ làm giấy bản. Chị chia sẻ, năm nay chị 34 tuổi, nhưng sợ rằng sau chị không còn ai biết làm nữa, những người trẻ tuổi hơn họ đi làm công ty hết rồi. “Hồi xưa nhà nào cũng làm giấy bản vì được sử dụng nhiều, nhưng bây giờ không ai dùng mấy. Vừa rồi xã cũng hỗ trợ tiền làm bể để trộn bột giấy cho các hộ gia đình nhưng tiêu thụ chậm mà vất vả nên ít ai làm lắm”, chị Na nói.

Làm giấy bản có thể tranh thủ những ngày nông nhàn, không phụ thuộc vào thời tiết và tận dụng được nguyên liệu có sẵn từ tự nhiên, người dân chỉ mất thời gian, công sức để làm chứ không bỏ vốn vào thêm. Tuy nhiên, do hiện nay nhiều loại giấy hiện đại được phổ biến nên những loại giấy bản này chỉ còn được dùng trong hoạt động tín ngưỡng là chính, chủ yếu bán được vào những ngày lễ, Tết nên không còn nhiều người mặn mà với nó nữa.

Lao động thủ công rất vất vả nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Những người trẻ không còn mặn mà nhiều với nghề nữa. Số hộ duy trì nghề dần thưa thớt. Hiện trạng đó đang cất lên lời cảnh báo cho nghề làm giấy bản ở nơi này.