Giữ nét văn hóa cà-phê

Không giống các cây nông sản tại Tây Nguyên, cà-phê trong đời sống của người Ê Đê tại Đắk Lắk chứa đựng cả một bề dày văn hóa. Văn hóa cà-phê thấm sâu trong tâm thức người Ê Đê, không lẫn vào đâu được.

Buôn Ma Thuột được xem là “Thánh địa cà-phê thế giới”.
Buôn Ma Thuột được xem là “Thánh địa cà-phê thế giới”.

Cả vùng uống cà-phê

Đến Buôn Ma Thuột mùa này, du khách không thể không dừng chân tại đường sách, nơi có không gian yên tĩnh với các bức bích họa ghi lại những khoảnh khắc bình dị hằng ngày của người đồng bào Tây Nguyên và người ở Buôn Mê nói riêng. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ gọi ngay một ly cà-phê nguyên chất để cảm nhận trọn vẹn hương thơm…

Ví Buôn Ma Thuột là “Thánh địa cà-phê”, danh xưng ấy gần như khái quát hết một vùng đất cà-phê vừa hoang sơ, vừa hào sảng và có cả một bề dày văn hóa được người dân bản địa tích lũy qua nhiều thế hệ. Y Linh Niê (SN 1988, trú xã Dray Sap, huyện Krông Ana) - chủ một tiệm cà-phê kể với chúng tôi rằng, chẳng biết từ bao giờ thói quen thưởng thức tách cà-phê nguyên chất vào mỗi buổi sáng đã ăn sâu trong suy nghĩ anh và bao thế hệ người Ê Đê. “Người lớn uống cà-phê sớm để kịp lên rẫy. Lũ trẻ thì nhâm nhi cà-phê cho tỉnh táo đến trường... Mỗi người một việc nhưng ai cũng phải nhâm nhi ly cà-phê sớm để một ngày trở thêm có ý nghĩa, có sức sống mới. Thế nhưng không phải vì thế mà người Ê Đê pha cà-phê được pha vội vã. Trái lại, pha cà-phê là một nghệ thuật vô cùng tinh tế, tỉ mỉ”, anh Y Linh nói.

Hiện nay có nhiều cách pha cà-phê khác nhau nhưng người Ê Đê ở các buôn làng tại Đắk Lắk vẫn sử dụng cách pha chế truyền thống từ bao đời nay. Đơn cử như tại nơi Y Linh sinh sống, ai cũng buôn, cũng trồng vài sào cà-phê để có thêm kinh tế và chế biến làm thức uống trong nhà.

Mà công thức pha cà-phê của người Ê Đê cũng đơn giản chứ không bí mật như lời người ta đồn đại. Công thức đó xuyên suốt vẫn là hái chín, rang chín và hãm chín. Công thức thì đơn giản nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa tách cà-phê của người Ê Đê với các vùng, miền khác có lẽ là nước pha cà-phê. “Tách cà-phê thơm ngon là nhờ được hãm bằng nước lấy ở bến nước của người Ê Đê xưa”, Y Linh kể.

Và thế là sau khi thu hoạch và xử lý hạt cà-phê, vào những ngày giá rét, phụ nữ Ê Đê lại tự tay pha chế cà-phê cho mọi người trong nhà thưởng thức trước khi bắt đầu ngày mới. Còn gì lý thú hơn vào một mùa giá rét, bên bếp lửa bập bùng, cộng đồng người Ê Đê quây quần bên nhau, cùng thưởng thức ly cà-phê nguyên chất...

Nét người qua thức uống

Văn hóa cà-phê là thế, không ồn ào cũng chẳng cần phô trương. Văn hóa đó được mỗi gia đình người Ê Đê gìn giữ theo các cách riêng, chẳng ai giống ai. Đơn cử như trường hợp của chàng trai Y Pốt Niê (SN 1988, trú xã Dray Sap, huyện Krông Ana), người Ê Đê, anh đã mạnh dạn sử dụng chính công thức pha chế và xử lý hạt cà-phê của người Ê Đê để làm ra những sản phẩm thương mại giới thiệu bạn bè gần xa.

Y Pốt kể, vài năm trở lại đây, giá cà-phê bấp bênh, người nông dân thu lợi mỗi mùa vụ không cao. Một nghịch lý là trong khi giá cà-phê bán ra rất thấp thì ở các thành phố trong nước, cà-phê bột được bán với giá cao.

Nghĩ rồi làm, Y Pốt tự tìm hiểu thị trường rồi về nhà mang chính loại cà-phê sạch thu hái thủ công “ba chín” của người Ê Đê giới thiệu ra công chúng. Khi mới làm ra sản phẩm, anh Y Pốt tự mình đến các cửa hàng trong và ngoài tỉnh để kết nối với khách hàng. Sau nhiều kiên trì cố gắng, bây giờ anh đã có nhiều khách hàng tiềm năng, tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương trong việc sơ chế, rang xay và đóng gói sản phẩm.

Hiện Y Pốt đã ra Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Hà Nội để đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch mang nhãn hiệu “Ê Đê Cafe”. Y Pốt hy vọng sản phẩm trên sau khi được đăng ký nhãn hiệu sẽ là góp phần cho mọi người biết đến nhiều hơn nữa nét văn hóa của người đồng bào Ê Đê.

“Mỗi người có một cách để bảo tồn văn hóa riêng. Với tôi, việc quảng bá nét đặc sắc của đồng bào Ê Đê qua ly cà-phê chính là cách giới thiệu, giúp mọi người hiểu và trân trọng nét văn hóa riêng của bà con”, Y Pốt tâm sự.