Giữ hồn dân tộc bằng câu hát

Ông Nông Dũng Long, người dân tộc Nùng, sinh năm 1942 hiện ở thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Nhẹ nhàng lật giở từng trang cuốn sổ dày có chỗ chữ viết đã ố vàng theo thời gian, có chỗ nét chữ còn mới. Ông tâm sự, bây giờ nhiều người Nùng còn không biết tiếng của dân tộc mình. Sợ mai một nên ông có cuốn sổ này, dụng công ghi chép lại các làn điệu dân ca dân tộc Nùng.

Ông Nông Dũng Long cùng bạn hát.
Ông Nông Dũng Long cùng bạn hát.

Từ anh công nhân nông trường

Có bài ghi lại theo trí nhớ từ thời trai trẻ đi hát Soong Hao, có bài sưu tầm được của các nghệ nhân trong huyện, có bài ông đặt lời mới với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ, ca ngợi tình cảm gia đình, tất cả có đến vài trăm bài. Cuốn sổ này cũng là “giáo án” chính để ông truyền dạy hát cho mọi người có nhu cầu học hát dân ca dân tộc Nùng.

Gấp cuốn sổ lại, ông vừa hát, vừa giảng giải về dân ca Nùng với những làn điệu mang đậm mầu sắc dân tộc nhưng chủ yếu là hát Soong Hao và hát lượn. Soong Hao tiếng dân tộc Nùng là hai ta, Soong Hao hát trong lúc chào nhau, hát đối, hát giao duyên, thanh niên thì hát trong các chợ phiên, trong các ngày hội đầu năm mới.

Gần 80, trông ông trẻ nhiều so với tuổi, có lẽ tiếng hát và lòng yêu đời, yêu dân ca dân tộc mình đã là một phần nguyên nhân giữ cho ông có được khỏe, trẻ như bây giờ. Mới thế mà đã mấy chục năm rồi. Gia đình ông quê gốc ở Lạng Sơn nhưng ông sinh ra trên Yên Thế. Mới 16 - 17 tuổi, anh thanh niên ngày ấy đã theo chúng bạn và các anh nhiều tuổi hơn đi hát Soong Hao. 20 tuổi, chàng trai Nông Dũng Long vào làm cho Lâm trường Đồng Tiến (Yên Thế) với công việc trồng, tu bổ và khai thác rừng. “Tiếng hát át mệt mỏi”. Có giọng hát tốt, sau những giờ lao động, anh lại đem tiếng hát, nhất là các bài hát theo làn điệu dân tộc Nùng phục vụ mọi người.

Năm 1991, sau ba mươi năm công tác trong ngành lâm nghiệp ông được về hưu. Ông luôn trăn trở với câu hỏi: “Làm thế nào để góp phần khôi phục dân ca dân tộc mình khi một thực trạng là vốn dân ca dân tộc Nùng đang bị mai một? Dẫu cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn lặng lẽ bỏ thời gian đi sưu tầm các bài hát dân ca Nùng như mời nước, mời trầu, mời rượu, chúc mừng năm mới, mừng sinh nhật của những người dân tộc Nùng cao tuổi ở Yên Thế. Năm 2001, ông trình bày nguyện vọng thành lập câu lạc bộ (CLB) hát Soong Hao - sau đổi thành CLB hát dân ca Nùng - với chính quyền xã Phồn Xương, được xã chấp thuận.

Đầu tiên chỉ có bảy người trong xã, nhưng rồi sức hấp dẫn của các làn điệu dân ca Nùng lan xa, đến nay đã có 20 thành viên, có cả người xã ngoài tham gia. Tháng một lần, CLB lại có dịp gặp mặt tại nhà văn hóa thôn Đồng Nhân, xã Phồn Xương nghe người chủ nhiệm hướng dẫn cách luyến láy, cách ngân nga, nhả chữ của các làn điệu dân ca Nùng. Hiện nay, các thành viên trong CLB đã thuộc hàng chục bài hát và làn điệu dân ca Nùng.

CLB thường xuyên biểu diễn phục vụ những ngày lễ, Tết, các ngày có sự kiện chính trị ở địa phương nhất là vào dịp lễ hội Yên Thế. Năm 2017, trong Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Yên Thế, cháu Mã Thị Cúc, Mã Thị Toán khi ấy mới bảy tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB dự thi đã đoạt giải A và đoạt giải đặc biệt thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi.

Đến nghệ nhân ưu tú

20 năm nay, CLB hoạt động đều đặn và hoàn toàn tự nguyện, người dạy không thu bất kỳ một khoản kinh phí nào. Việc làm của ông được gia đình hoàn toàn ủng hộ. Dẫu đồng lương hưu còn eo hẹp nhưng ông vẫn đầu tư hàng chục triệu đồng mua tăng âm, loa đài ở nhà để khi chuẩn bị đến kỳ hội diễn, diễn viên trong CLB đến nhà ông luyện tập và làm quen với không khí sân khấu.

20 năm, ông cũng tham gia nhiều đợt hội diễn văn nghệ ở huyện, tỉnh và đạt giải cao. Ông bảo: “Mình có tuổi rồi không nhớ hết, chỉ còn nhớ năm 2002 được giải B Hội diễn ca múa nhạc dân gian và thi mặc trang phục đẹp dân tộc tỉnh Bắc Giang. Cũng năm đó, ông được UBND huyện Yên Thế tặng giấy khen có nhiều thành tích trong các Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Bắc Giang, năm 2003 giải C ngày Hội văn hóa Dân tộc tỉnh. Năm 2009, đoạt giải B tiếng hát người cao tuổi tỉnh Bắc Giang…”.

Ở tuổi gần 80, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, ngoài chủ nhiệm CLB dân ca Nùng, ông còn làm thành viên trong Ban chủ nhiệm các CLB như CLB văn nghệ người cao tuổi, CLB quan họ xã Phồn Xương và chủ nhiệm CLB bóng bàn của xã. Năm 2019, CLB văn nghệ người cao tuổi xã Phồn Xương được Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích trong phong trào văn hóa, thể thao và du lịch có sự góp sức không nhỏ của ông.

Ghi nhận sự đóng góp của ông, ngày 8-3-2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản phi vật thể của dân tộc và cũng một niềm vui nữa đến với ông là năm 2019, ông được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông thật sự là người đã góp phần giữ hồn dân tộc Nùng qua các làn điệu dân ca.