Giới thiệu bản đồ chống Pháp tại Đà Nẵng dưới triều Nguyễn

Chiều ngày 10-7, nhà nghiên cứu sử học Trần Viết Ngạc có buổi nói chuyện chuyên đề: “Về bản di chúc của Vua Tự Đức và về một tấm bản đồ của quân đội triều đình Huế” tại tạp chí Sông Hương, TP Huế. Diễn giả sinh năm 1939, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc giới thiệu về tấm bản đồ.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc giới thiệu về tấm bản đồ.

Diễn giả đã trình bày chi tiết về bản đồ quân sự vẽ về thế trận giữa quân Pháp và quân đội triều đình Huế tại chiến trường Đà Nẵng. Bản đồ này được lưu giữ ở bảo tàng Lưu trữ Quốc gia Pháp tại Paris. Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã tiếp cận được bản đồ với kích cỡ 122 x 72 cm. Để làm rõ nội dung thông tin, ông đã đối sánh thêm với “Hồng Đức bản đồ” được vẽ dưới triều Vua Lê Thánh Tông (1490) và “Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ dưới thời Vua Minh Mạng (1838). Dựa vào hai bản đồ này, ông đã bổ sung thông tin trên bản đồ quân sự và đọc rõ, chú thích bản đồ.

Theo đó, đây là bản đồ quân sự duy nhất cho đến nay mà ta có trong nguồn sử liệu về việc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng và sự phòng thủ của triều đình Huế. Bên cạnh đó, bản đồ cho thấy có sự hình thành lũy cát bao vây quân Pháp, cùng với 108 làng xã được tìm ra trên bản đồ. Bản đồ cũng đã chỉ rõ, quân và dân trên địa bàn đã thực hiện những kế sách chống Pháp hợp lý, từ lập đồn, xây lũy, chia quân phòng giữ dưới sự chỉ đạo của danh tướng Nguyễn Tri Phương, làm tiêu hao, cầm chân lực lượng của Pháp.

Tấm bản đồ quý giá, góp phần giúp người xem nhìn nhận lại sự kiện lịch sử cách đây hơn 150 năm và những quy hoạch, bố trí ở Đà Nẵng, khu vực phên dậu phòng thủ trọng yếu ở mặt phía nam kinh thành Huế.

Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc cũng dành thời gian phân tích bản di chúc của Vua Tự Đức. Ông cho rằng, việc nghiên cứu di chúc đã chỉ ra những bài học lớn cho sự thấu hiểu ý muốn của tiền nhân. Trong hoàn cảnh quân Pháp đang chiếm đánh nước nhà, Vua Tự Đức đứng trước những quyết định chính trị lớn, liên can đến sự tồn vong của triều đại, quốc gia.

Nhiều nhà nghiên cứu, trí thức, văn nghệ sĩ có mặt tại buổi nói chuyện đã trao đổi với nhà nghiên cứu sử học Trần Viết Ngạc như nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Như Huy, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc… khiến buổi nói chuyện thêm sinh động và tràn đầy không khí cởi mở, thân mật. Tính sự kiện và thảm kịch lịch sử qua thông tin tư liệu trên vẫn là bài học cho hậu thế.