Đừng để hội sách nghèo ý tưởng

Sau năm ngày mở hội tại Hoàng thành Thăng Long, Hội sách Hà Nội 2019 - “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình” đã khép lại vào tối qua (6-10). Nhiều người vẫn đang mong chờ các hội chợ sách sẽ trở thành một “không gian hẹn hò” lý tưởng.

Độc giả tìm mua sách tại Hội sách Hà Nội 2019.
Độc giả tìm mua sách tại Hội sách Hà Nội 2019.

1. Được tổ chức trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Hội sách cho thấy một số nét mới so những năm trước. Vài kinh nghiệm đã được áp dụng khiến cho hội sách thu hút được rất đông độc giả, trải đều từ ngày khai mạc cho tới tối bế mạc. Nếu những năm trước, hai hội sách Mùa thu (diễn ra trước, ở Công viên Thống Nhất) và Hội sách Hà Nội tổ chức sau, diễn ra khá sát nhau, khiến hội sách mở sau có phần vắng hơn, ít hấp dẫn hơn thì năm nay đã có sự phối hợp, để “thu gọn” lại làm một. Không gian Hoàng thành Thăng Long đủ rộng và có lẽ phù hợp để cho các hoạt động của hội sách diễn ra. Vì thế, khoảng 200 gian hàng của các đơn vị tham gia hội sách lần này không khiến độc giả đến với hội sách cảm thấy quá chật.

Đến với Hội sách Hà Nội lần này, một bữa tiệc về sách được mở ra, có các đơn vị xuất bản trong nước và các gian hàng của các Đại sứ quán Ấn Độ, Indonesia, Pháp, Italia và Séc; Hiệp hội xuất bản Đông - Nam Á, Hiệp hội xuất bản Philippines, Hiệp hội xuất bản Myanmar, Tổ chức Thành phố Sách Malaysia (KOTA BUKU) và 14 nhà xuất bản đến từ Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và Singapore… Hội sách có những cuộc giao lưu, tọa đàm, ra mắt nhiều tựa sách về Hà Nội hấp dẫn. Tiêu biểu như: NXB Hà Nội giới thiệu giai đoạn hai “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” với nhiều cuốn sách giá trị, được nghiên cứu công phu với những chiều cạnh khác nhau. Có thể kể đến là “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội” 17 cuốn và “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” 10 tập (PGS, TS Vũ Văn Quân biên soạn); “Lịch sử Hà Nội cận đại (1883 - 1945)” (GS, TS Phạm Hồng Tung và PGS, TS Trần Viết Nghĩa biên soạn); “Kẻ sĩ Thăng Long” (Bằng Việt), “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ chợ - Đàng ngoài (1672 - 1697)”, “Tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ chợ - Đàng ngoài (1637 - 1700)” do PGS, TS Hoàng Anh Tuấn biên soạn…

2. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều thay đổi, song Hội sách Hà Nội 2019 cũng đã không thu hút được một số đơn vị xuất bản mà các đầu sách của họ khá phong phú, được nhiều độc giả tìm kiếm như NXB Trẻ, NXB Phụ nữ… Đó là tín hiệu cho thấy, nhiều đơn vị làm sách đang có những băn khoăn với các “kỳ cuộc”, mà thời điểm trước họ đã rất kỳ vọng.

Nhìn từ hội sách năm nay, có thể nhận thấy các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã có nhiều nỗ lực trong việc lựa chọn sách để xuất bản, tuy nhiên chưa thật sự có nhiều đầu sách mới. Số tựa sách kinh điển mà các đơn vị xuất bản cùng khai thác (do thuận lợi về bản quyền, hoặc sách hết hạn bản quyền) đang khiến độc giả cảm thấy “bội thực”. Ngoài ra, các đơn vị xuất bản cũng đang đối mặt sức ép lớn, đó là các sàn thương mại điện tử. Trong cùng thời gian diễn ra Hội sách Hà Nội, trên sàn Tiki cũng diễn ra hội chợ sách online với mức giảm sâu, trung bình là 40 - 50%, có khi lên tới 80%. Điều đó ngay lập tức đã hút mất một lượng độc giả đến với hội sách truyền thống.

Vì thế, nhiều đơn vị làm sách cũng đã kiến nghị, góp ý để Hội sách Hà Nội ngày càng trở nên sinh động, hấp dẫn, trở thành là một không gian hẹn hò, không gian chờ đợi của những người yêu sách, là nơi để lan tỏa, tôn vinh văn hóa đọc. Trước hết, đó là cần lưu ý đến yếu tố… thời tiết. Khi quyết định tổ chức Hội sách ở Hoàng thành Thăng Long - một không gian mở - thì các đơn vị tổ chức cần lưu tâm đến việc thiết kế các gian hàng đủ để mỗi khi có mưa không làm ướt sách.

Thêm nữa, cũng nên lưu ý thêm đến các hình thức tương tác khác. Không chỉ cần thêm những cuộc giao lưu, trò chuyện với những nhà văn tiêu biểu, như vừa rồi là buổi giao lưu “Một đời lính, một nghiệp văn” với nhà văn Chu Lai, mà cần thêm những sự kiện, thậm chí chuỗi sự kiện “tiếp ứng” như các nhà văn ở các thế hệ, các mảng sách khác nhau đến tặng chữ ký độc giả. Có thể không cần đến sự “quy mô” trong hội trường, trên sân khấu mà nên diễn ra ngay tại các quầy hàng của các đơn vị xuất bản hay tại các không gian chung của hội sách. Sự gần gũi, cởi mở của những “sân khấu” mini ấy sẽ phù hợp với các độc giả trẻ, độc giả thiếu nhi. Cũng cần nghĩ thêm các hoạt động phối hợp với các CLB đọc sách, sưu tầm sách cũ, sách quý; giao lưu với các họa sĩ vẽ minh họa, làm bìa sách để tăng thêm những trao đổi, nhằm mở ra những sân chơi thiết thực, đồng thời để độc giả đến với hội sách ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể gặp được những hoạt động ý nghĩa. Thêm vào đó, cũng cần mời gọi, kết hợp với những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng đến hội sách để thu hút thêm những độc giả vốn lâu nay còn chưa mê sách…

Chỉ có sự thay đổi, liên tục sáng tạo, quan tâm đến chiều sâu thì những hội sách được mở ra mới thật sự trở thành thương hiệu, và thu hút, giữ chân độc giả. Nếu chỉ đến hội chợ sách để tìm sách giảm giá, thì có lẽ ở thời điểm này, độc giả đã có sự lựa chọn khác.