Đôi song ca tí hon “bay xa” tiếng hát

Có lẽ hình ảnh nhí nhảnh, tươi vui và có phần “ngộ nghĩnh” của Thanh Hằng, Thanh Hà khiến cho mọi người liên tưởng và đã lấy cái tên “bonsai” để đặt biệt danh và trở thành “nghệ danh” của họ. Hai chị em đã chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi tham gia hoạt động nghệ thuật và giúp ích cho đời.

Đôi song ca Thanh Hằng - Thanh Hà trong đêm nhạc “Vui hội trăng rằm - Trăng yêu thương”.
Đôi song ca Thanh Hằng - Thanh Hà trong đêm nhạc “Vui hội trăng rằm - Trăng yêu thương”.

“Bonsai” chị và “Bonsai” em

Dù đều đã bước vào tuổi trưởng thành đã lâu song cô chị cũng hệt như cô em, chỉ cao chừng 1,25 m, nặng khoảng 25-26 kg, trông như trẻ mới qua tuổi lên mười. Tuy nhiên, nhìn họ, nhiều người lại liên tưởng đến những cây bonsai: nhỏ nhắn song tính tình chân chất với vẻ đẹp hồn nhiên. Tên thật của “cặp Bonsai” là Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1978, còn em là Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1988. Nhưng mới nhìn thoáng qua trông Hằng, Hà giống như một cặp sinh đôi.

Hai chị em tuy vóc dáng bé nhỏ nhưng bù lại có tiếng hát trong sáng, truyền cảm. Khi hai cô cùng song ca bài “Bà tôi” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn), “Cô Tấm ngày nay” (Ngọc Châu) “Về quê” (Phó Đức Phương) hay “Em đi trên cỏ non” (Bắc Sơn)…, người nghe cảm nhận trong vần điệu luyến láy, ca từ êm dịu, mượt mà có cả một phần tâm hồn của đôi song ca!

Có thể là hồi ức về quê hương của hai cô ca sĩ đặc biệt này ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội, một miền quê có nhiều làn điệu dân ca đã “chảy” trong đời sống dân gian từ bao đời nay. Nơi ấy, là mái nhà bình dị với người cha là ông Nguyễn Đức Dục, một cựu chiến binh, từ năm 1969 đến năm 1975 đã tham gia giải phóng miền nam. Mọi người khi nghe Hằng, Hà hát đều nhận thấy, hai cô sở hữu giọng hát trong trẻo, dễ cảm. Cả hai đã từng “mất tự tin” bởi vóc dáng bé nhỏ, đi đâu cũng ngại ngùng. Nhưng chính “chân ngắn” sau này lại là một nét độc đáo không trộn lẫn với bất kỳ ai của Hằng và Hà. Cộng với đó trang phục cả đời thường và biểu diễn của hai cô luôn là tà áo dài nền nã.

Theo lời kể của cả Hằng và Hà, từ khi sinh ra cho đến năm 10 tuổi cả hai đều phát triển bình thường nhưng đến khi vào cấp 2 (trung học cơ sở) cơ thể “dừng” lại, do đó cả hai đều không phát triển thêm nữa cả về chiều cao và cân nặng. Hằng, Hà kể thêm: “Những lần đi biểu diễn, có nhiều cơ hội gặp các bác sĩ Việt Nam và nước ngoài. Các bác sĩ đều nói, có thể do hai chị em bị thiếu tuyến yên nên không phát triển được chiều cao. Trên thực tế hai chị em chưa từng được xét nghiệm hay khám để khẳng định như vậy”.

Đồng cảm với những mảnh đời cơ nhỡ

Cái duyên trở thành ca sĩ đứng trên sân khấu lớn với hai chị em Hằng, Hà hoàn toàn tình cờ. Khoảng 10 năm trước, cả hai vào thăm người thân ở Vũng Tàu, cùng lên hát tại một khu du lịch và được ủng hộ. Sau khi được nhận vào làm tại đây, Hằng, Hà vừa đi hát, vừa âm thầm học vi tính. Rồi hai cô đã gặp được vị ân nhân là nhà thơ Hàn Tấn Quang chủ biên Tạp chí Kiến thức ngày nay. Ông đã đưa chị em Hằng, Hà vào làm văn thư tại tòa soạn ở TP Hồ Chí Minh. Cả hai làm việc với tinh thần hăng say, thao tác nhuần nhuyễn trên máy vi tính trong nhập liệu và đồ họa. Cùng với lịch làm việc và biểu diễn, hai chị em Hằng, Hà sắp xếp thời gian theo học thanh nhạc với nghệ sĩ Thanh Trì (đã mất), cô Kim Tân (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), thầy Trọng Thủy (trung tâm Giai Điệu Việt) nhằm trau luyện giọng hát. Hằng và Hà kể “Người nghe và góp ý cho những ca khúc mà hai chị em thể hiện luôn luôn là nhà thơ Hàn Tấn Quang. Còn chị Thanh Bình là người chỉ dạy cho cả hai cách bè, cách nhả chữ nhấn nhá sao cho ca khúc nghe hay hơn”.

Đôi song ca bonsai khiến ai cũng phải nể phục trước sức làm việc của mình. Ngày làm văn thư, đồ họa. Tối đi hát hay đi học. Cả hai dường như quên đi sự thấp bé và cả khó khăn trong di chuyển, đi lại… Vì niềm vui được hát, bận rộn với công việc đã “cuốn” cả hai vào. Bên cạnh đó, chính sự tiếp sức của cộng đồng đã “truyền” cho đôi song ca nguồn lực sống mạnh mẽ. Họ nói đùa với nhau: “Một cây làm chẳng nên non. Hai cây chụm lại thành cặp song ca tí hon nhất Việt Nam”. Cả hai đã đưa đến công chúng đĩa DVD “Cô Tấm ngày nay” và các CD “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Biết yêu khi nào”… Không chỉ hát, Thanh Hằng - Thanh Hà còn vào vai tuồng cổ trong vở “Mê Linh tụ nghĩa”. Nếu năm 2011, tiếng hát của đôi song ca “bonsai” đã “bay xa” nửa vòng trái đất đến với những cuộc đời kém may mắn tại Mỹ, thì giờ đây, hai giọng ca ấy còn đến với đất nước Pháp, Thái-lan…

Vào mỗi dịp Tết Trung thu, hai chị em Hằng, Hà tham gia các chương trình văn nghệ hướng đến những phận đời kém may mắn như hát cho các em tại Làng SOS Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), các chương trình dành cho các bạn học sinh nghèo, khuyết tật, cơ nhỡ, mồ côi như đêm nhạc “Vui hội trăng rằm - Trăng yêu thương” tại UBND huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), đêm nhạc “Cho đời chút ơn”… Bởi họ không chỉ sống cho mình mà còn cho những người cùng cảnh ngộ. Hai chị em nói: “Ca hát không chỉ là niềm say mê của chúng em, mà đó còn là đem niềm vui đến với mọi người. Và đỡ đần cha mẹ ở quê nhà”.