Dở dang làng bích họa Tam Thanh

Tháng 6-2016, nhiều họa sĩ Hàn Quốc tình nguyện đến xã biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bàn bạc với người dân cùng đưa ra câu chuyện kể bằng tranh trên tường nhà mình. Sau một tháng làm việc, trên 100 bức tranh xuất hiện quen thuộc mà lạ lẫm, biến làng biển Tam Thanh thành một điểm đến. Nhưng nay...

Còn một vị trí này để nhận ra làng tranh Tam Thanh..
Còn một vị trí này để nhận ra làng tranh Tam Thanh..

Chưng hửng vào làng

Nhưng từ khi có những bức tranh tường khiến nhiều người biết đến, ở đây cũng hình thành dịch vụ, du lịch, như homestay, nhà hàng. Quan sát làng biển Tam Thanh, làng nằm trên doi cát bồi lên từ biển, phía trong dòng sông Trường Giang xanh ngắt. Khung cảnh này khiến ai đến đây cũng đều “dềnh” lên một cảm giác thơ mộng, êm đềm. Biển rì rào ngoài rặng phi lao, bên kia sông là đồng lúa. Bản thân địa thế của làng đã như một bức tranh.

Nhưng đến làng bích họa Tam Thanh hôm nay, ai cũng đều có chung cảm nhận… hụt hẫng. Anh Lê Nguyễn Hoài Duy, chủ một nhà nghỉ homestay trong làng, cho hay: “Trước cơn bão số 5-2019, còn một vài điểm được gọi là văn hóa cộng đồng. Đó là những chiếc thuyền cũ, úp ngược, sơn vẽ bày dưới những rặng phi lao ven bờ biển. Nhưng bão đã thổi bay đi hết”.

Nhiều người đã đọc, đã xem qua các bài báo trước đây. Những chỉ dẫn trên đường từ TP Tam Kỳ về làng Tam Thanh với các tên gọi: “nghệ thuật cộng đồng”, “Làng bích họa Tam Thanh”... thì khi đi đến nơi, họ có cảm giác “lạc” vào làng khác. Chị Nguyễn Thị Hằng, từ Thanh Hóa, du lịch vào đây, cho biết: “Tôi không lạc đường. Ngay đầu làng có hòn đá to, đề tên làng bích họa Tam Thanh. Nhưng vào đến đây thì mình mới nhận ra. Mình đến muộn”.

Với thời gian tồn tại của một làng bích họa chưa dài do thời tiết, do khách đến đông hơn, nhu cầu gia tăng và cơn sốt đất khiến nhiều gia đình đã phải bán đi, lấy vốn làm ăn. Người mới đến, chủ sở hữu mới, đương nhiên sẽ cải tạo những ngôi nhà cũ theo diện “thứ nhất tiện nghi, thứ nhì cho thuê mướn”. Ông Nguyễn Văn Đôn, cư dân của làng Tam Thanh, phàn nàn: “Họ tháo bỏ nhà cũ, xây mới. Tranh tường cũng phá luôn”.

Không chăm sóc sao còn bích họa

Những ngày này, du lịch đang là thấp điểm, anh Hoài Duy cho biết: “Tôi đã nhận ra sự thất vọng của du khách đến đây, họ đều có cùng câu hỏi giống nhau tại sao tranh không còn? Tôi nghĩ rằng nó thiếu một sự cam kết duy trì. Thiếu kinh phí để bảo dưỡng, khắc phục những bức tranh tường”.

Năm 2018, Tam Thanh, khi đó chỉ có một vài nhà nghỉ homestay, nhưng hiện diện khá nhiều tranh tường mang nội dung: câu cá, ngắm biển, thuyền về, con chó gác cằm bên ngạch cửa... Không gian đó, khiến ta có thể hít một hơi thở thật sâu, thở thật mạnh, ngắm tranh, tủm tỉm cười. Tranh tường làng Tam Thanh cho khách cảm nhận như có một làng trong một làng, giữa tĩnh và động không nhiều khác biệt. Cảnh ngư dân thong thả vá lưới bên hiên nhà, những người già đi bộ chậm chạp từ nhà này sang nhà khác, phụ nữ vùng biển với dáng vóc gầy gò đạp xe... phản ảnh đời sống đi vào tranh và từ những bức tranh đã “bước ra” cuộc sống.

Tháng 10-2019, về Tam Thanh, chỉ còn vài điểm trưng bày. Nay, thưa thớt cả rồi. Ông Nguyễn Văn Thắng, kinh doanh nhà hàng hải sản, cho biết: “Chuyện làng bích họa đã hết rồi, xong rồi. Khách vô đó, ra đây ăn uống, bàn tán không thấy tranh”. Ông Nguyễn Văn Đôn phân tích: “Nhà cửa của người dân ở đây xuống cấp cần cải tạo. Chuyện bán đất, chuyện kinh doanh nên dù có là nghệ thuật cộng đồng thì cũng không thể tránh khỏi được lợi ích của từng nhà”.

Theo tìm hiểu từ người dân, lợi ích từ làng tranh Tam Thanh không về với nhà dân có tranh tường mà về với những nhà nghỉ homestay, nhà hàng hải sản. Và việc một làng biển không mấy ai biết, nhờ có những bức tranh mà thành làng nổi tiếng, nay tranh không còn, là câu hỏi đang lơ lửng...