Đi tìm mầu men huyết dụ

Trong không gian chật chội của xưởng gốm Ký Danh giữa làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), một mẻ bình, lọ, bát… mới ra lò. Những mái đầu túm tụm, những khuôn mặt đầy rạng rỡ trước mầu men đỏ sậm. 

Họa sĩ Phạm Mai Châu thực hiện công đoạn xối men huyết dụ cho gốm.
Họa sĩ Phạm Mai Châu thực hiện công đoạn xối men huyết dụ cho gốm.

1/Thứ men hiếm, rất khó làm, người xưa thường gọi là huyết dụ hay tiết dê ấy vừa được thầy, trò nghiên cứu, tìm ra được công thức và thực hiện thành công sau hàng năm trời mày mò. Nâng chiếc bình gốm mầu men trầm đỏ, họa sĩ Phạm Mai Châu - người pha chế thành công thứ men quý chia sẻ, họa sĩ Nguyễn Văn Kiên chủ xưởng gốm Ký Danh vốn là học sinh cũ của mình. Cách đây vài năm, Kiên có đặt vấn đề: Em làm nghề gốm bên Bát Tràng, bao năm nay vẫn trăn trở về một mầu men cho gốm mà chưa giải quyết được. Đó là mầu men tiết dê hay còn gọi là huyết dụ, vốn rất hiếm, từ xưa đến nay ít người làm được. Trong làng đã có người bỏ công nghiên cứu thực hiện nhưng tỷ lệ thành công không cao…

Hứng thú với đề xuất của học trò, họa sĩ đã gần thất thập bỏ thời gian dài thu thập tài liệu trong và ngoài nước. Nhiều tài liệu cũ của Pháp nơi ông từng học có đề cập về loại men hiếm này. Ông chia sẻ, dòng men huyết dụ xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc thời nhà Đường (618 - 907), khi khoáng đồng được thêm vào thành phần làm men để tạo mầu cho gốm. Nhưng phải đến đời nhà Minh (1368 - 1644) loại gốm có mầu men đỏ toàn phần mới được cho là hoàn chỉnh và thường được dùng trong các nghi lễ cúng tế long trọng nên còn được gọi là men Tế hồng. 

Đầu thế kỷ 20 tại Mỹ, cũng có một nhóm nghiên cứu loại men này, sau đó Pháp, Australia là những nước có nghệ nhân sở hữu kiến thức về men huyết dụ. Ở Việt Nam, trước đây chỉ những người buôn bán đồ cổ lưu giữ đồ gốm men huyết dụ, nhưng cũng không nhiều. Được biết, cố họa sĩ Lê Quốc Lộc (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) từng nghiên cứu về loại men này. Hiện, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ một chiếc bình gốm men huyết dụ do họa sĩ chế tác. Nhưng đến nay, cũng rất ít người quan tâm đến sắc men hiếm, khó làm này của gốm.

Đây là thách đố lý thú với họa sĩ Phạm Mai Châu. Nửa năm nghiên cứu tài liệu, ông quyết tâm cùng người bạn - họa sĩ Phạm Việt Đoàn và học trò “bắt tay” làm thử từ cuối năm 2020. Hiểu rằng, các khoáng chất đều sinh ra từ lòng đất, người ta dùng nó tạo ra các loại men và cho ra rất nhiều mầu sắc của gốm nên đầu tiên, nhóm lấy các công thức tạo mầu men huyết dụ của nhiều nước ra so sánh, đối chiếu rồi quyết định dùng các loại khoáng sẵn có trong nước để pha chế theo công thức mà họ tìm ra chứ không mua từ nước ngoài.

Đi tìm mầu men huyết dụ -0
Một số tác phẩm gốm được đổ nét từ men huyết dụ. 

2/Họa sĩ Phạm Việt Đoàn cho biết, để quyết định một mầu men gốm có nhiều yếu tố. Từ chất đất, loại men rồi cuối cùng quan trọng nhất là quy trình đốt, nhưng cũng một mầu men như thế nếu để ở vị trí trong lò khác nhau lại cho ra mầu khác nhau. Bước đầu thử nghiệm trên những món gốm nhỏ, thầy trò mò mẫm làm rồi nhờ nung thử nhiều lần ở nhiều nhiệt độ khác nhau. Không đạt nhưng không nản, mọi người lại động viên nhau cùng làm lại với công thức, xương gốm, nhiệt độ khác.

Cho đến một ngày sau hơn nửa năm, họ có mẻ gốm men huyết dụ đầu tiên khá ưng ý. Họa sĩ Nguyễn Văn Kiên như vẫn không tin vào mắt mình. Anh tâm sự, mê gốm từ nhỏ, lần mò học hỏi rồi bám trụ tại đất gốm cổ này đã gần 20 năm. Thứ mà anh luôn trăn trở bao năm là trong bảng mầu gốm của mình vẫn thiếu một mầu huyết dụ. Rất may gặp được hai thầy Mai Châu, Việt Đoàn nhiệt tình ủng hộ và để được như ngày hôm nay, anh không nhớ mình đã bỏ ra bao nhiêu tiền nữa. 

Họa sĩ Phạm Mai Châu tiết lộ, để ra được loại men chuẩn từ các loại khoáng và chất hóa học dựa trên các công thức rất mất thời gian. Toàn bộ nguyên liệu để cho ra mầu men huyết dụ đều là sản phẩm khoáng tự nhiên (không dùng mầu sẵn có), qua nung ở các mức nhiệt lượng khác nhau mà thành. Hiện, nhóm đã làm chủ được các công đoạn tạo ra loại men này và nắm được thời gian khi nung ở loại nhiệt độ nào sẽ cho ra mầu nào. Đây là yếu tố rất quan trọng khi làm một mẻ gốm. Những sản phẩm thử nghiệm của nhóm so nước ngoài cũng không thua kém gì về mầu men. Họa sĩ chia sẻ: Tham vọng của tôi là làm thế gốm do mình tạo dáng và dùng men huyết dụ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, hay tranh gốm sơn mài. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp và sản xuất đại trà các sản phẩm gốm có mầu men quý này cho những người yêu gốm có thể sở hữu. Chứ không phải chỉ trong tay những người giàu có hay giới buôn đồ cổ.

3/TS Sử học Đinh Đức Tiến cho biết, khi nhận được thông tin về thành công của mẻ gốm huyết dụ này, tôi thật sự rất phấn khích vì lần đầu nhìn thấy một mầu men như thế do người Việt pha chế thành công. Ấn tượng bởi độ sâu và sự chuyển mầu của loại men rất đặc biệt. Tôi tham gia nhiều cuộc khai quật khảo cổ học được biết về nhiều loại men gốm cổ trong các hố khai quật, quả thật hiếm khi thấy loại men nào có mầu sắc như thế này. 

Theo TS Tiến, trước kia nhiều nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã từng tìm tòi để tạo nên loại men túy hồng này nhưng ít người thành công. Để có được mầu men này, nhóm họa sĩ phải có tình yêu nghề rất lớn. Việc công bố loại men huyết dụ, cũng như truyền lại công thức mầu men cho đại chúng để các xưởng gốm khác cũng có thể làm được là nghĩa cử đáng trân quý của nhóm. 

Đi tìm mầu men huyết dụ -0
Họa sĩ Phạm Việt Đoàn cùng mẻ gốm mới ra lò.